“Vị thần” sức khỏe
Ngày qua ngày, phải đi bộ trên con đường mòn mấp mô, lổn nhổn đá nhưng chị Mùa Thị Lơ - cô đỡ bản Chiêu Ly, xã Sa Lông, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) vẫn không quản ngại, thường xuyên phải đến tận nhà người dân trong bản để tuyên truyền, phổ biến kiến thức sinh sản; kiểm tra sức khỏe cho mẹ và các cháu bé. Đường khó đi và chỉ có thể đi bộ nhưng bất kể thời gian nào trong ngày, khi trong bản có ca chuyển dạ sinh con hay trẻ em ốm sốt thì chị Lơ đều có mặt kịp thời để giúp đỡ.
Nhớ lại chuyện gần 2 năm về trước, chị Giàng Thị Sú, bản Chiêu Ly, xã Sa Lông, huyện Mường Chà kể: Từ khi Sú mang thai đến khi sinh nở, nhờ có cô đỡ Lơ thường xuyên thăm khám và tư vấn nên khi sinh "mẹ tròn con vuông", sau sinh sức khỏe của 2 mẹ con đều ổn định, cháu bé phát triển tốt. Bởi vậy, gia đình tôi luôn coi cô đỡ Mùa Thị Lơ là người thân của gia đình. Cô đỡ Mùa Thị Lơ cũng đã nhận được sự tin tưởng, yêu quý của bà con trong bản, nhiều người dân coi các cô như "vị thần" sức khỏe của thôn, bản.
Cũng gần 10 năm đảm nhận công việc cô đỡ thôn, bản, chị Lò Thị Nhung, bản Hin 1, xã Na Sang, huyện Mường Chà đã giúp đỡ được rất nhiều gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, vận động tiêm chủng, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình... Công việc cô đỡ rất vất vả vì chủ yếu hoạt động ở vùng sâu, vùng xa và bị động nhưng mỗi khi đón một cháu bé chào đời "mẹ tròn con vuông" hay giúp được người dân thay đổi nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe là chị lại quên đi những vất vả, mệt nhọc để gắn bó với nghề hơn.
Ông Hồ A Chua, Trưởng Trạm Y tế xã Sa Lông, huyện Mường Chà, chia sẻ: Với đặc thù ở những bản làng vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân còn nhiều hạn chế. Song, ở nơi đó có những cô đỡ thôn bản phát huy rất tốt vai trò của mình trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc trẻ sơ sinh… Họ âm thầm góp sức mình vào việc phổ biến kiến thức, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai và sau sinh để những đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh, an toàn.
Những bác sĩ đi tìm người bệnh
Bác sĩ đi tìm người bệnh - chuyện “bất thường” nhưng lại rất “bình thường” của y tế vùng cao. Một buổi sáng tinh mơ, chúng tôi theo chân các y, bác sĩ Phòng khám Đa khoa khu vực Ba Chà phối hợp với Trạm Y tế xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đi khám bệnh, cấp cứu lưu động. Để tới nhà của bệnh nhân Tao Thị Siêng, bản Mới 2, xã Chà Cang, Đoàn cán bộ y tế phải đi bộ gần 3 cây số. Sau khi thăm khám, các y, bác sĩ tận tình hướng dẫn cho bệnh nhân cách tự chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh khi ở nhà một mình, nhất là trong thời điểm giao mùa và đang có dịch bệnh nguy hiểm Covid -19 xảy ra.
Được biết, nhiều năm qua, ngoài nhiệm vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế, các y, bác sĩ ở vùng cao huyện Nậm Pồ còn thường xuyên tổ chức đi khám chữa bệnh, tiêm chủng, cấp cứu lưu động và truyền thông y tế tại nhà cho người dân trên địa bàn phụ trách. Y sĩ Lò Văn Tướng, Phó trưởng Trạm Y tế xã Chà Cang kể: Đều đặn mỗi tuần 2 lần, y sĩ Tướng lại tạm gác công việc chuyên môn tại trạm y tế xã để cùng các đồng nghiệp đi khám chữa bệnh, kê đơn, cấp phát thuốc cho người dân trong các bản. Nhưng cũng có khi nghe tin bệnh nhân đang nguy kịch là các anh lại tức tốc lên đường, đến tận nhà cấp cứu cho bệnh nhân.
Do đặc thù ở các bản vùng cao huyện Nậm Pồ giao thông đi lại cách trở, trình độ dân trí còn hạn chế nên song hành với công tác khám chữa bệnh, cấp cứu lưu động, các y, bác sĩ còn tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến về công tác y tế để bà con biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Cũng từ những buổi đi khám bệnh, cấp cứu lưu động tại bản, mà các thầy thuốc vùng cao đã cấp cứu kịp thời được nhiều ca bệnh khó, sau đó vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục điều trị, giúp bà con được tiếp cận các dịch vụ y tế, nâng cao sức khỏe.