Trăn trở với nghề
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2007, bác sĩ trẻ Lê Anh Minh nhận công tác tại khoa Tim, Thận, Khớp - Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Trăn trở với việc bệnh nhi đến bệnh viện điều trị các bệnh lý về tim, hoàn toàn phụ thuộc vào việc phẫu thuật tim hở với thời gian hậu phẫu kéo dài, để lại sẹo lớn ảnh hưởng tâm lý của trẻ, chi phí cao…, bác sĩ Lê Anh Minh đã tìm hiểu các phương pháp điều trị khác ở Việt Nam và thế giới, trong đó phương pháp can thiệp tim mạch là phương pháp mới, với nhiều ưu điểm nổi trội cho các vấn đề về tim bẩm sinh ở trẻ.
Phương pháp can thiệp được thực hiện bằng cách luồn dụng cụ vào mạch máu bệnh nhân, qua đó, đưa dụng cụ đến tim để bít các lỗ thông ở trong tim hoặc nông rộng những chỗ hẹp ở van tim hoặc mạch máu.
So với phương pháp mổ hở, phương pháp này có nhiều ưu điểm, đó là tỷ lệ thành công có thể đạt 100%, không để lại sẹo, sau mổ 1- 2 ngày, bệnh nhân có thể xuất viện, giảm được nhiều chi phí, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao cho bệnh nhân nhi.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chưa có máy móc, hơn nữa đây là một phương pháp được xem là khó nên dù trăn trở, bác sĩ Minh vẫn chưa thể thực hiện được ý tưởng.
Năm 2008-2009, bác sĩ Minh được cử đi học tại Bệnh viện Nhi Trung ương, anh đã tự xin các "bậc tiền bối" cho được theo học phương pháp này. Khi trở về, anh mạnh dạn đề nghị Giám đốc cho mình thử phương pháp can thiệp tim và có mời các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương về.
"Năm 2011, cùng với các bác sĩ của Nhi Trung ương, tôi đã thành công trên 4 bệnh nhân với các bệnh lý: còn ống động mạch, nong van mạch phổi. Cho đến giờ mình vẫn không quên cái cảm giác khi ấy, thật sự rất sung sướng và hạnh phúc. Thành công đầu tiên đó đã khích lệ mình tiếp tục con đường nghiên cứu và điều trị bệnh nhân tim bẩm sinh bằng phương pháp can thiệp" , bác sĩ Minh chia sẻ lại cảm xúc khi thực hiện phương pháp mới này.
Bác sĩ Minh bộc bạch, anh đã từng thực hiện một ca bệnh nhân nặng 3kg với 45 ngày tuổi. Thử hình dung cơ thể một đứa trẻ nhỏ như vậy mà phải thực hiện mổ phanh với vết mổ to, dài từ cổ xuống ngực, chịu đau đớn, mất máu, nằm viện từ 7 đến 15 ngày, đó là chưa kể đến di chứng tâm lý.
“Với phương pháp can thiệp này, sẹo mổ trên đứa trẻ chỉ có vết nhỏ như đầu bút bi và sẽ biến mất sau 1 tháng. Sau can thiệp khoảng 30 phút là tỉnh, chỉ 1 ngày sau có thể đi lại và ra viện sau 2 ngày. Tuần sau có thể quay lại với các sinh hoạt bình thường… Nếu mình không thực hiện được, sẽ rất thiệt thòi cho bệnh nhân", bác sĩ Minh chia sẻ.
Hơn nghìn trẻ được cứu chữa thành công từ phương pháp mới
Theo bác sĩ Minh, tất cả các trường hợp sau can thiệp có lịch tái khám, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, bệnh nhân đều phát triển, tăng cân tốt, không có biến chứng. Trong quá trình theo dõi, chưa có phản hồi nào về việc sau can thiệp có vấn đề.
Liên tục những năm sau đó, bác sĩ Lê Anh Minh đã tham gia nhiều khóa đào tạo điều trị nội khoa, siêu âm, hồi sức và chuyên sâu về can thiệp tim mạch tại các bệnh viện, trung tâm tim mạch trong và ngoài nước. Trong đó, có hơn 100 Tour tại Malayxia, Singapo, Hàn Quốc và 1 số nước châu Âu để học riêng về kỹ thuật can thiệp tim mạch.
10 năm nay, bác sĩ Minh đã trực tiếp triển khai thường quy kỹ thuật can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, số bệnh nhi được can thiệp điều trị chiếm 50-70% tổng lượng bệnh nhân mắc tim bẩm sinh được điều trị tại bệnh viện. Đến đầu năm 2021, số trẻ được cứu sống và chữa lành các bệnh về tim bằng phương pháp can thiệp đã lên con số hơn 1.000 ca.
Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: Trong nhiều năm qua, bác sĩ Lê Anh Minh cùng đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, trong đó có kỹ thuật can thiệp tim mạch là một trong những kỹ thuật mà Bệnh viện luôn hướng đến, đó là kỹ thuật ít xâm lấn để giải quyết tốt những ca bệnh tim bẩm sinh và những bệnh về tim khác liên quan đến câu hỏi mổ hay không mổ.
“Bệnh viện luôn phát huy những thành tích đã đạt được và nâng cao kỹ năng, hoàn thiện kỹ thuật. Đối với bác sĩ Lê Anh Minh sau nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn, đến nay đã làm được gần như tất cả các dịch vụ kỹ thuật về can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa", Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tự hào.
Kỹ thuật can thiệp tim mạch được thực hiện bằng cách luồn dụng cụ vào mạch máu bệnh nhân, qua đó, đưa dụng cụ đến tim để bít các lỗ thông ở trong tim hoặc nong rộng những chỗ hẹp ở van tim hoặc mạch máu. Dù phương pháp được đánh giá là khó khi đòi hỏi về máy móc, 1 hệ thống đào tạo bài bản, bao gồm cả kíp, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên hỗ trợ, kỹ thuật viên X-Quang, gây mê, hồi sức, siêu âm tim đi kèm…. nhưng Thanh Hóa là tỉnh tiếp cận sớm phương pháp này, chỉ đi sau 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng và được đánh giá là 1 trong số ít những bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thành công can thiệp điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh.