Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lưu giữ hồn cốt làng nghề

PV - 07:05, 12/01/2023

Nghề đan lát của bà con dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng hiện vẫn được lưu truyền ở nhiều địa phương trong tỉnh. Với người dân xã Tự Do (Quảng Hòa), giữ gìn nghề đan lát truyền thống của dân tộc là giữ lại nét sinh hoạt mang giá trị văn hóa của cha ông.

Người dân xã Tự Do (Quảng Hòa) vẫn miệt mài lưu giữ nghề đan lát truyền thống
Người dân xã Tự Do (Quảng Hòa) vẫn miệt mài lưu giữ nghề đan lát truyền thống

Chúng tôi có dịp đến thăm đồng bào người Tày, Nùng ở hai xóm Hoàng Diệu, Lạn Dưới, xã Tự Do vào dịp cuối Đông, khi công việc đồng áng đã dần khép lại, thời điểm nông nhàn, làng nghề trở nên sôi nổi hơn. Các thế hệ người dân nơi đây gắn bó với nghề đan lát từ lâu đời, hương mây, tre ngấm sâu vào từng bữa ăn, giấc ngủ. Từ những sợi mây, cây giang dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ, các sản phẩm đan lát thủ công đẹp mắt phục vụ cuộc sống hằng ngày ra đời.

Với đồng bào dân tộc Tày, Nùng nơi đây, từ lâu, chiếc nón lá gắn bó mật thiết với người dân trong lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày. Không chỉ vậy, nón lá còn là sản phẩm thủ công độc đáo, thể hiện bàn tay tài hoa, trình độ thẩm mỹ của nghệ nhân sáng tạo sản phẩm, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. Ngày nay, dù phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm công nghệ, sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng, nhưng nghề làm nón lá vẫn luôn được người dân nơi đây gìn giữ và bảo tồn.

Ông Bế Văn Hưởng - Bí thư Chi bộ xóm Hoàng Diệu, xã Tự Do chia sẻ: Để làm được một chiếc nón từ 2 - 3 ngày. Cách làm cũng công phu hơn so với nón của người Kinh, từ khâu chọn lá, tạo khuôn, đan nón đều phải đúng tiêu chuẩn mới có được một chiếc nón đẹp.

Nón lá của người dân nơi đây rất đặc biệt về hình thức, nguyên liệu và cách làm. Để làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian. Nguyên liệu để làm nón gồm: tre, mai, nứa, lá mai, lá chuối… Đầu tiên là chẻ nan, chẻ mỏng hay dày phụ thuộc vào độ khéo léo của người thợ, khâu này khá quan trọng bởi vì quyết định đến chất lượng cũng như độ bền, đẹp của chiếc nón. Tiếp theo là đan khung, khung nón được đan bằng tre và có hai lớp. Lớp bên ngoài được đan rất cẩn thận, không để lộ một mấu nối nào ra ngoài.

Sau đó, người thợ phải trải đều 2 lớp lá mai, 1 lớp lá chuối bên trong, ép chặt rồi cố định lớp khung thứ hai lên cho nón thêm dày và cứng cáp, tránh mưa ướt. Chiếc nón lá từ đôi bàn tay chai sần của người dân từ bao đời nay gắn liền với đời sống sinh hoạt, giúp che nắng, mưa khi làm đồng, dưới chợ phiên. Không chỉ riêng nón lá, các sản phẩm đan lát thủ công phục vụ đời sống như chiếu, rổ, nong, nia… cũng là những sản phẩm đan lát nổi tiếng của bà con nơi đây.

Chiếc nón lá đã gắn với cụộc sống của người dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng từ bao đời nay
Chiếc nón lá đã gắn với cụộc sống của người dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng từ bao đời nay

Theo những người thợ trong xóm, người thợ phải có tính cần cù, cẩn thận, bình tĩnh và tuyệt đối không được nôn nóng. Từ khâu chọn nguyên liệu phải kỹ lưỡng bởi sản phẩm muốn bền, đẹp phải chọn cây giang, tre già chắc, khi chẻ thành nan mới bóng đẹp. Qua mỗi công đoạn chẻ nan, vót nan, đan lát…, mỗi khâu đều yêu cầu sự bền bỉ, cần mẫn, sáng tạo riêng, mỗi sản phẩm lựa chọn nguyên vật liệu gắn liền với mục đích sử dụng, thân cây giang mềm mại được sử dụng đan chiếu trải giường, nền nhà; thân tre, nứa dùng để đan chiếu phơi thóc, ngô, sắn... Từ những cây tre, nứa thân thuộc qua đôi bàn tay của nghệ nhân dần hình thành những sản phẩm chiếu cót với nhiều hoa văn đẹp mắt.

Ông Vi Văn Mạ - xóm Lạn Dưới, xã Tự Do cho biết: Nghề này có từ khi nào thì không ai biết rõ, các cụ bảo cứ cha truyền con nối, nhưng thế hệ các con, các cháu tôi bây giờ nhiều người không thích nghề đan lát. Tôi già rồi, không làm được việc nặng nhọc nên cố đan nón vừa để giữ nghề truyền thống và tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Lưu truyền nghề là giữ lại nét văn hóa, cội nguồn của tổ tiên, vì vậy những năm qua, dù nghề đan lát tốn nhiều thời gian, thu nhập không cao nhưng bà con nơi đây vẫn miệt mài gìn giữ và tận tâm truyền dạy cho con cháu. Những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của các sản phẩm công nghệ hiện đại khiến cho nghề đan lát truyền thống đang dần bị mai một. Để gìn giữ và phát huy các sản phẩm từ nghề đan lát truyền thống của người dân cần sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan để tìm ra hướng đi khai thác giá trị sản phẩm, gắn kết với du lịch, đưa nghề truyền thống trở thành mặt hàng có giá trị bền vững.

Nghề đan lát không những tạo ra sản phẩm vật chất mà còn tạo nên sắc thái văn hóa riêng biệt của người dân tộc nơi đây. Việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống ở Cao Bằng không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung mà còn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, miền núi, nơi tạo ra những nét đặc trưng riêng có của đồng bào các dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.