Cả bản viết đơn xin đi học
Cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống sầm sập khiến con đường đất độc đạo vào bản Phá Thóng nhầy nhụa, trơn trượt. Sau 3 tiếng đồng hồ vừa đi vừa dừng lại gỡ bùn đất, chúng tôi mới đến bản Phá Thóng khi mặt trời đã khuất núi. Đón chúng tôi ở đầu bản là các chiến sĩ thuộc Đội công tác của Đồn Biên phòng Nậm Lạnh. Các anh có mặt ở đây từ những ngày đầu tiên khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện để thực hiện “nhiệm vụ kép”- vừa làm nhiệm vụ kiểm soát người qua lại biên giới, vừa làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Trong bữa cơm chiều muộn, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lò Văn Thoại cho biết, bản Phá Thóng hiểu theo tiếng của người Mông chính là bản “chia đôi”. Bởi bản Phá Thóng nằm giữa sống lưng của một dãy núi, các hộ dân làm nhà ở lưng chừng 2 bên dãy núi, chia đôi bên Đông và bên Tây. Hầu hết bà con dân tộc Mông ở bản Phá Thóng di cư từ huyện Mai Sơn lên đây lập nghiệp trong thời gian cuối những năm 90 của thế kỷ trước.
Tuy chỉ cách trung tâm xã Mường Và chưa đến 30km nhưng đời sống của hơn 70 hộ dân với gần 400 nhân khẩu người Mông nơi đây rất khó khăn. Đồng bào quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để trồng cây sắn, cây ngô. Bên cạnh đó, đường sá hiểm trở, đi lại rất khó khăn. Nơi đây chưa có sóng điện thoại, chưa có trường học. Điện lưới quốc gia mới được kéo về bản từ 2-3 năm nay. Chính vì vậy, hầu hết những người lớn tuổi ở bản Phá Thóng đều chưa biết chữ của Bác Hồ.
Gần 3 năm trở lại đây, các cháu nhỏ mới được đi học ở điểm trường tiểu học mới mở trong bản. Nếu gia đình nào muốn cho con em đi học cao hơn nữa thì phải xuống tận trung tâm xã, cách xa hàng chục km và phải đi bộ nửa ngày đường.
Đầu năm 2020, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Nậm Lạnh được điều động lên bản Phá Thóng để lập trạm kiểm soát người qua lại biên giới ở khu vực này và phòng chống dịch Covid-19. Qua tiếp xúc với bà con, các chiến sĩ biên phòng phát hiện ra hầu hết những người lớn tuổi ở trong bản đều không biết đọc, biết viết. Trong bản, duy nhất chỉ có ông Hạng A Sềnh, sinh năm 1983, Trưởng bản Phá Thóng là người có trình độ vì đã biết đọc, biết viết, do trước khi di cư lên đây, ông đã học hết lớp 5 tại quê nhà.
Trưởng bản Hạng A Sềnh tâm sự, khi biết các chiến sĩ biên phòng sẽ ở lại lâu dài trên bản Phá Thóng để thực hiện “nhiệm vụ kép”, bà con dân bản rất mừng. Cả bản chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi họp bàn rồi đi đến quyết định làm đơn đề nghị và cùng ký vào để gửi lên Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La và Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Nậm Lạnh xin được giúp đỡ để mở lớp xóa mù chữ cho bà con. Mục tiêu trước mắt là dạy cho bà con dân bản biết đọc, biết viết và tính toán những phép tính đơn giản, phục vụ trực tiếp việc mua bán, trao đổi hàng hóa, biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông.
Được sự cho phép của cấp trên, cuối tháng 10/2021, lớp học xóa mù chữ của bản Phá Thóng đã chính thức khai giảng. Lớp học do Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Lò Văn Phích giảng dạy. Theo kế hoạch, lớp học thực hiện Giai đoạn I chương trình xóa mù chữ (dạy kiến thức lớp 1 đến lớp 3); giai đoạn II giáo dục sau biết chữ (dạy chương trình học từ lớp 4 đến lớp 5).
Học tiếng của đồng bào để dạy chữ phổ thông
19 giờ 30 tối, lớp học xóa mù chữ bản Phá Thóng sáng ánh điện. Các học viên đã tập trung đầy đủ và khá tự giác. Lớp học gồm hơn 60 học viên, có độ tuổi từ 13 đến 60, cá biệt có những học viên đã gần 70 tuồi. Nhiều chị còn địu theo cả con nhỏ để kịp giờ đến lớp. Nhiều học viên tuổi đã cao, mắt đã kém nhưng vẫn quyết tâm học chữ.
Đã gần 10 tháng qua, cứ đến tối, tại điểm trường của bản Phá Thóng lại vang lên tiếng đánh vần ngọng nghịu, phá tan không gian vốn tĩnh lặng của bản vùng cao miền núi biên giới. Những khuôn mặt sạm nắng, những bàn tay chai sần chỉ quen cầm cuốc, tra ngô, nay xòe ra làm phép tính đơn giản hoặc vụng về cầm bút tô từng nét chữ chưa tròn, nhưng ai cũng miệt mài, mong học được "cái chữ"...
Sau giờ dạy học, trên đường về trạm kiểm soát biên phòng, thầy giáo Lò Văn Phích tâm sự, thời điểm mới mở lớp học, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn vì phần lớn những người không biết chữ đều là lao động chính của gia đình. Hằng ngày, bà con phải đi lên nương, làm rẫy đến tối mịt mới về nên rất khó bố trí thời gian học cho ổn định. Nhiều người không muốn đi học với cái lý: “Không có ăn, có mặc thì chết đói chứ không biết chữ thì vẫn sống được”. Bên cạnh đó, bà con hàng ngày chỉ quen giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ nên phát âm rất khó khăn. Bà con cũng không quen cầm bút nên rất khó viết…
Tuy nhiên, “trong cái khó, ló cái khôn”, ngoài việc tuyên truyền, vận động ngay trên lớp học cho các học viên hiểu về tầm quan trọng trong việc học chữ, chúng tôi còn kết hợp với các già làng, trưởng bản, những Người có uy tín, trưởng họ đi đến từng nhà để thuyết phục, vận động người dân đi học. Từ sự vận động đó, bà con hiểu được ý nghĩa, sự cần thiết phải biết chữ phổ thông nên đã tham gia lớp học.
Không phụ lòng tận tâm, tận lực của thầy giáo quân hàm xanh, sau 10 tháng học hành chăm chỉ, đến nay, các học viên của lớp xóa mù chữ đã biết viết, biết đánh vần. Một số chị đã đọc được các đoạn văn ngắn, làm được phép tính cộng trừ với 2 chữ số.
Vợ chồng học viên Mùa Thị Dợ và Hạng A Thái phấn khởi cho biết: “Vợ chồng tôi có 3 con nhỏ, cháu lớn năm nay mới lên 4 tuổi, cháu nhỏ mới được 2 tuổi. Trước đây, vì hoàn cảnh khó khăn nên cả 2 vợ chồng không được đi học, không được biết chữ. Biết tin có lớp học xóa mù chữ do thầy giáo biên phòng mở tại bản, vợ chồng tôi đã đăng ký tham gia. Bây giờ vợ chồng chúng tôi đã biết đọc, biết viết, thuộc bảng chữ cái và làm được các phép tính đơn giản”.
Chia tay bản Phá Thóng, hình ảnh đọng lại trong tôi là những ánh đèn pin soi sáng trong đêm tối của các học sinh trở về nhà sau giờ học. Chúng tôi cũng cảm nhận được phần nào quyết tâm học chữ của bà con người Mông để biết đọc, biết viết, biết tính toán trong làm ăn.
PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La:
Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng xã hội học tập vùng biên giới, đến nay, tỉnh Sơn La đã mở được 31 lớp xóa mù chữ tại các xã vùng biên cho gần 1.000 học viên với 100% là đồng bào dân tộc;100% trường học vùng biên giới đã kết nghĩa với các đồn biên phòng.