Vùng đặc thù
Tuyến biên giới đất liền Việt Nam trải dài qua 435 xã, phường, thị trấn với tổng chiều dài gần 5.000 km. Khu vực biên giới được xem là một vùng đặc thù, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn.Tổng dân số sinh sống trên dải biên cương có trên 2 triệu người, với khoảng 500.000 hộ, trong đó đồng bào DTTS chiếm tới 67,4%, với mật độ dân số trung bình ở các xã biên giới chỉ bằng 26,1% so với mật độ dân số cả nước. Trên địa bàn các xã biên giới hiện có 26 khu kinh tế cửa khẩu, 21 khu kinh tế quốc phòng, 104 cặp cửa khẩu biên giới đang hoạt động.
Trên chặng đường bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất biên cương, ngoài những sáng kiến, việc làm thiết thực, những hoạt động kết nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giao lưu giữ gìn bản sắc văn hóa giữa Nhân dân và chính quyền hai bên biên giới... thì Đảng, Nhà nước, các lực lượng, tổ chức chính trị xã hội đang đóng vai trò quan trọng và luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chính sách thiết thực chăm lo cho đồng bào nơi biên viễn, đã và đang tiếp tục xây dựng một dải biên cương ngày càng vững vàng, phát triển.
Chia sẻ về vấn đề thực hiện một số chương trình cho đồng bào vùng biên giới, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thông tin, thời gian qua, các cấp ngành nói chung, BĐBP nói riêng luôn quan tâm hỗ trợ đồng bào nơi biên giới. Cụ thể từ năm 2015 đến nay, BĐBP cùng các địa phương ở biên giới đã bố trí 1.156 tỷ đồng xây dựng, tu bổ hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, biển, đảo.
6 năm qua, BĐBP đã chi 238 tỷ đồng nhằm duy trì các hoạt động phong trào ở biên giới, chi 216 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà người dân. Những chương trình này đã và đang góp phần vào việc bảo đảm KT-XH để bà con an tâm sản xuất, gìn giữ an ninh quốc phòng, tạo thế trận lòng dân vững chắc.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội cũng tiếp tục phát huy vai trò trong tập hợp quần chúng vùng biên giới. Theo ông Vũ Đăng Minh, Trưởng ban Dân tộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam nhấn mạnh, trong giai đoạn vừa qua, MTTQ cùng các tổ chức thành viên luôn tích cực kêu gọi đồng bào các dân tộc vùng biên giới đoàn kết bảo đảm an ninh chính trị cũng như phát triển KT-XH.
Trong giai đoạn tiếp theo, Ủy ban Trung ương MTTQ yêu cầu, MTTQ các tỉnh có đường biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia cần tiếp tục phối hợp với BĐBP thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với việc bảo vệ chủ quyền biên giới và an ninh quốc gia, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; tham gia vào công tác đối ngoại Nhân dân, góp phần tạo ra cuộc sống bình yên, phát triển trong các khu dân cư trên dọc tuyến biên giới.
Thông tin thêm về chính sách cho đồng bào DTTS ở biên giới, ông Phạm Chí Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Ủy ban Dân tộc) cho biết, giai đoạn trước đây, Việt Nam có 118 chính sách về công tác dân tộc dành cho đồng bào DTTS và miền núi.
Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đã tích hợp nhiều chính sách trong giai đoạn này vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để tiếp tục thực hiện. Theo đó, đồng bào các DTTS ở biên giới được quan tâm thực hiện nhiều chính sách theo các chương trình chính sách chung về công tác dân tộc.
Cơ chế, chính sách cho vùng đặc thù
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình phát triển KT-XH ở các xã biên giới nước ta chưa được như mong muốn, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phức tạp về an ninh trật tự.
Hiện vẫn còn 381 xã nghèo trong tổng số 435 xã. Phương thức sản xuất của đồng bào còn lạc hậu, manh mún, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chất lượng giáo dục, y tế vẫn hạn chế, chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển so với các vùng khác. Ngoài ra, từ trước đến nay, chúng ta chưa có chính sách riêng cho đồng bào DTTS ở biên giới.
Từ sự cần thiết trong việc xây dựng cơ chế, chính sách riêng trong phát triển KT-XH vùng biên giới, ngày 15/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07 về thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn liền bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống Nhân dân.
Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế khu vực biên giới. Theo dự thảo, Nghị quyết đặt ra 5 mục tiêu, trong đó trọng tâm phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng ở khu vực biên giới; và khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tiếp tục quan tâm chăm lo, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc và đầu tư phát triển đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, biển đảo theo tinh thần Kết luận số 65 LK/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Theo dự thảo của Nghị quyết này, Chính phủ sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất là xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới. Theo đó, Chính phủ dự thảo giao Ủy ban Dân tộc lồng ghép các chính sách hiện hành đối với đồng bào DTTS và miền núi, để ưu tiên triển khai đối với địa bàn khu vực biên giới (đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về DTTS và miền núi).
Chính phủ cũng giao Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, rà soát cơ chế chính sách về công tác dân tộc, tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định hiện hành liên quan để bổ sung, sửa đổi theo hướng tích hợp, đặc thù cho địa bàn biên giới, miền núi tạo khung pháp lý và chính sách đủ mạnh, làm cơ sở huy động nguồn lực.
Ngoài ra, Nghị quyết sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như, huy động, sử dụng nguồn lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế khu vực biên giới; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác quốc phòng an ninh, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững.