Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lời thề... 5 không

Phạm Việt Thắng - 10:57, 30/09/2020

Không phá rừng, không nghiện hút, không trộm cắp, không thả rông gia súc, và trẻ em không bỏ học. Đó là lời thề và cũng là thành tích từ hàng chục năm nay của bà con bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An).

Trưởng bản Lưu Thông Vừ Giồng Nanh gương mẫu nuôi nhốt trâu bò
Trưởng bản Lưu Thông Vừ Giồng Nanh gương mẫu nuôi nhốt trâu bò

Bản Lưu Thông được thành lập từ 30 năm trước. Năm 1990, một số bà con người Mông ở huyện Kỳ Sơn đã di cư đến xã Lưu Kiền để sinh sống, dần dần thành bản thành làng. Cũng từ đó, bà con bảo ban nhau xây dựng bản làng, nhất là bảo vệ rừng. Thế rồi cả bản cùng cam kết với nhau, từng người ký vào văn bản - gọi là hương ước. 

Trưởng Bản Vừ Giồng Nanh cho hay, Hương ước 5 không của bản ông được lập từ năm 2003. Hôm ký hương ước, cả bản như một ngày hội, ai cũng đồng lòng, phấn khởi. “Người Mông mình đã nói là làm. Ký hương ước coi như là lời thề, mà đã thề thì phải thực hiện thôi”, ông Vừ Giồng Nanh khẳng định.

Ông Vừ Giồng Nanh đọc vanh vách, bản ông có 58 hộ gia đình với 275 nhân khẩu. Và ông tự hào vì bản nhỏ của ông hiện có đến 4 cháu đang theo học đại học; có 3 người làm cán bộ ngoài huyện; 4 giáo viên đang công tác ở nhiều trường trong huyện... Đoạn, ông khoe với chúng tôi: “Anh nhà báo thấy đấy, đường sá ở bản ta tuy nhỏ nhưng rất sạch sẽ. Nhờ các cháu thanh niên, học sinh và các anh chị cán bộ làm gương nên ai cũng noi theo”. 

Rồi ông hãnh diện nói về hương ước của bản. Trước đây bà con cứ tùy tiện phá rừng, người thì lấy gỗ về dựng nhà, người thì phá rừng để làm rẫy. Nhiều người lo lắng vì chẳng bao lâu nữa sẽ thành rừng trọc. Năm 2003, bản quyết định lập hương ước, mọi người cam kết không phá rừng. Ai có nhu cầu thực sự thì Ban Quản lý bản cấp giấy, cho khai thác đủ sổ gỗ để sử dụng, không được khai thác nhiều hơn. “100% bà con đồng tình và thực hiện nghiêm từ đó đến nay”, Trưởng bản Vừ Giồng Nanh cho hay. 

Cũng từ đó đến nay, bản Lưu Thông không hề có người sử dụng ma túy, không có học sinh bỏ học, không có tình trạng trộm cắp. Em Xồng Bá Thái (SN 1997) cho biết: Thanh niên trong bản chúng em ai cũng chăm lo học hành, chí thú làm ăn, không lêu lổng, sa đà rượu chè, ma túy... Cũng theo em Thái, từ xưa đến nay, bản Lưu Thông không có học sinh bỏ học hay thất học, đứa nào học ít nhất cũng hết trung học cơ sở. “Bản ta đang có 4 em đi học đại học, cao đẳng ở Vinh và Hà Nội. Có em Xồng Y Xia, năm ngoái đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, giờ đang học ở trường nội trú tỉnh”, Xồng Bá Thái hãnh diện khoe.

Nếu như ở các bản khác, trâu bò vẫn cứ thả rông, thì bản Lưu Thông, bà con cam kết với nhau thực hiện phương pháp nuôi nhốt. Xồng Bá Thái cho hay: Phải trồng cỏ để nuôi nhốt trâu bò, nó vừa nhanh lớn, nhanh có thu nhập, mình lại sử dụng nguồn phân để bón ruộng, bón vườn... Nuôi nhốt trâu bò còn để giữ gìn vệ sinh bản làng. Đấy, từ ngày trâu bò không thả rông nữa là đường, ngõ sạch sẽ.

Đồng tình với Xò Bá Thái, cụ Vừ Bá Xỷ góp lời: “Nay bản ta sạch sẽ lắm, không còn hôi mùi phân trâu như trước nữa đâu”. Chỉ tay về phía nhà trưởng bản, cụ Xỷ ngợi khen: “Ông ấy làm trưởng bản hai mươi năm rồi đấy, rất gương mẫu, việc gì cũng đi đầu. Nhà nuôi nhiều bò nhưng gương mẫu xây chuồng để nhốt, có thế thì bà con mới theo”.

Tôi vui hỏi Trưởng bản Vừ Giồng Nanh, bản ta đã có lời thề 5 không rồi, liệu có lời thề “một có” không? Ông trưởng bản rất nhanh ý: Bản mình có 58 hộ thì đã có hơn 40 hộ có nhà vệ sinh tự hoại. Tới đây bản mình chắc chắn sẽ đạt “một có”, là 100% hộ dân có nhà vệ sinh tự hoại!

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.