Số liệu "nhảy múa"
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 347 trường hợp tảo hôn. Trong đó, năm 2016 có số lượng tảo hôn nhiều nhất, với 114 trường hợp và đến năm 2020 là 93 trường hợp. Cũng trong giai đoạn này, thống kê có 24 trường hợp HNCHT, trong đó năm 2019 nhiều nhất với 10 trường hợp.
Liên quan những con số thống kê, trong cuộc khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh ở các địa phương, sở ngành liên quan mới đây cũng có nhiều ý kiến.
Điển hình, tại xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức), thống kê từ năm 2016 đến năm 2020, toàn xã không có trường hợp nào tảo hôn và HNCHT. Một số thành viên đoàn khảo sát cho rằng Quảng Trực là xã vùng biên giới có gần 45% số hộ là DTTS, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%. Nếu thật sự không có trường hợp nào tảo hôn và HNCHT là điều rất đáng mừng.
Thế nhưng, qua nắm bắt thực tế cho thấy, trên địa bàn xã Quảng Trực vẫn có một số trường hợp liên quan đến tảo hôn và HNCHT. Sau khi nêu lên một số ví dụ điển hình, thành viên đoàn khảo sát cho rằng địa phương cần sát sao hơn trong việc cập nhật số liệu.
Ông Y Ái, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: “Đối với các trường hợp tảo hôn có thể dễ dàng nhìn thấy hơn. Trong khi, các trường hợp HNCHT nhiều khi rất khó nhận biết, không thống kê được hết trong cộng đồng. Trong thủ tục đăng ký kết hôn cũng không cần kê khai 3 thế hệ, nên lắm lúc cán bộ hộ tịch xã không phát hiện ra đã đồng ý cho các trường hợp HNCHT đăng ký kết hôn”.
Đây là một trong những khó khăn trong việc kê khai, theo dõi các trường hợp xảy ra về HNCHT. Đó là chưa kể khi Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp các trường hợp tảo hôn, HNCHT hàng năm thì các số liệu còn “nhảy múa”, khó tổng hợp cho thật chính xác.
Thực trạng buồn
Qua khảo sát tại các địa phương như các huyện Đắk Glong, Tuy Đức và Krông Nô, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã thấy nhiều khó khăn, hạn chế trong việc triển khai đề án của Chính phủ.
Báo cáo tại buổi làm việc với Ban Dân tộc HÐND tỉnh, ông K’Khét A Tô, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: "Mặc dù số trường hợp phát hiện tảo hôn, HNCHT trên địa bàn tỉnh chưa ở mức báo động, nhưng đã tồn tại suốt nhiều năm qua ở vùng đồng bào DTTS. Số cặp tảo hôn và HNCHT có thể còn cao hơn nhiều so với số liệu thống kê của các địa phương”.
Ông K’Khét A Tô cũng chia sẻ thêm, những khó khăn hiện nay như việc kiểm tra, tổng hợp và xác định HNCHT còn rất khó khăn. Cộng tác viên thôn, bon, bản không đồng đều về trình độ học vấn. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở vùng DTTS còn ở mức cao. Tỷ lệ học sinh ở các vùng DTTS bỏ học còn cao, trong đó có nguyên nhân liên quan đến tảo hôn.
Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở còn thiếu ổn định và có nhiều biến động. Nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là thanh thiếu niên hiện nay về hôn nhân và gia đình còn hạn chế, chưa thấy được hậu quả, tác hại của việc tảo hôn, HNCHT.
Cần gỡ “nút thắt”
Qua khảo sát thực tế, bà Hà Thị Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhấn mạnh, tình trạng tảo hôn, HNCHT là một trong những cản trở của sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai hiệu quả đề án chính là gỡ “nút thắt” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào, chấm dứt vòng luẩn quẩn đói nghèo, thiếu hiểu biết, chất lượng dân số thấp.
Thời gian qua, các địa phương, đơn vị liên quan đã tích cực triển khai đề án, nhưng để phát huy hiệu quả cao hơn thì cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn nữa. Trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đóng vai trò then chốt.
Việc tuyên truyền không nên dàn trải, cần có chọn lọc, đi vào chiều sâu và có trọng tâm, trọng điểm, phải thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Nội dung tuyên truyền có thể linh động, lồng ghép, sân khấu hóa… làm sao thu hút được người nghe.
Các đoàn thể, Người có uy tín trong cộng đồng, lực lượng vũ trang tại địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của tảo hôn, HNCHT.../.