Vũ giữa điệu giữa đại ngàn
Trong miên man của núi rừng và những màn sương lãng đãng, cả vùng sâm Ngọc Linh (xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam) lạnh buốt giữa cơn mưa rừng. Dấu chân những người trồng sâm trên vùng núi cao này rải bước trên từng thảm lá mục để vào vùng sâm. Mùa này, đang là mùa sâm chín quả để thu hoạch hạt.
Lưng chừng núi, lưng chừng trời, những cây sâm Ngọc Linh nơi này đang chín đỏ. Những chùm quả màu đỏ rực nổi bật trên nền đất mùn sẫm màu và màu xanh của cây lá xung quanh cứ đung đưa theo gió. Từng chùm quả như tấu lên những điệu vũ giữa trập trùng non núi mây ngàn. Nếu ai đó đã từng có may mắn leo lên vùng lõi của đỉnh Ngọc Linh sẽ nhận ra rằng quanh đây vẫn giữ được nguyên vẹn những cây đại thụ, những cây cổ thụ của khu rừng nguyên sinh. Những cây sâm Ngọc Linh được trồng bắt buộc phải dựa vào tán lá rừng để tránh cái nắng gay gắt, dựa vào thảm thực bì từ lá rừng rơi rụng để bám rễ, dựa vào những cơn mưa phùn rả rích quanh năm, dựa vào không khí trong lành với nhiệt độ cùng độ ẩm ổn định quanh năm và nguồn nước tinh khiết của núi rừng đế tích tụ những dược chất quý hiếm.
Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm và cả hoa hay lá của sâm cũng quý không kém. Bởi, điều kiện sinh trưởng của Sâm Ngọc Linh rất đặc biệt chỉ mọc ở những nơi có độ cao từ 1500m trở lên, đất có độ mùn cao, tơi xốp và nhiều sương mù bao phủ. Chính vì thế mà hoa cũng được hấp thụ trọn vẹn tinh hoa của núi rừng với hàm lượng dưỡng chất cao. Hồ Văn Dinh, một nông dân Xơ Đăng tiết lộ, khi sâm Ngọc Linh trồng được 4 – 5 tuổi thì mới có hoa và mỗi năm chỉ nở một lần duy nhất. Vì thế, người dân luôn dự đoán thời gian để có thể hái được chính xác lúc sâm ra hoa. Theo anh Dinh, từ độ cuối tháng 7 đến tháng 10 hằng năm, cây sâm Ngọc Linh cho những chùm quả chín mọng đỏ tươi tuyệt đẹp, cũng là thời điểm người ta thu hoạch quả, hạt sâm.
Quả sâm Ngọc Linh thường mọc tập trung ở trung tâm tán lá, sau hai tháng bắt đầu chuyển từ màu xanh đến xanh thẫm, vàng lục, khi chín ngả màu đỏ. Mỗi cây sâm Ngọc Linh có 10-30 quả, trong đó mỗi quả chứa một hoặc hai hạt. Địa bàn huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Tu Mơ Rông, Đăk Glei (Kon Tum) cùng nằm trên dãy núi Ngọc Linh, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng và là vùng có chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Hiện tại một số địa phương như Quảng Nam và Kon Tum đã nuôi trồng, phát triển khoảng 6.000ha sâm Ngọc Linh. Đồng thời, hai địa phương này đã đầu tư hơn 471,8 tỷ đồng để xây dựng, phát triển hạ tầng vùng sâm. Mỗi mùa ra hoa, cây cho khoảng 1 triệu hạt sâm chín. Những hạt chín được thu hoạch đa phần sẽ được giữ lại làm giống để nhân rộng diện tích vào những mùa sau.
Hạt giống làm nên những tỷ phú
Ở đỉnh Ngọc Linh số giờ trời quang, nắng đẹp trong ngày chỉ 3-4 tiếng là nhiều, mùa đông cả ngày âm âm, u u, lẩn giữa cánh rừng xanh rì cùng lớp sương mù đặc quánh là các vườn sâm Ngọc Linh. Đó là khí thiêng đất trời và rừng già Trường Sơn - Tây Nguyên, nơi khởi đầu nguồn của các con sông Trà Khúc, Thu Bồn, Vu Gia, Seperok, Đà Rằng (sông Ba), sông Tranh và vô số các con sông nhỏ khác ở miền Trung Việt Nam, Hạ Lào, Bắc Campuchia. Với những vườn sâm, mùa sâm lấy hạt là mùa không ngủ. Tối đến, khắp vùng Ngọc Linh chìm trong màn đêm và tiếng mưa rơi thầm thì. Đêm nào mọi người cũng thay phiên nhau đi kiểm tra. Bởi, với loài chuột ở vùng núi này, quả và củ sâm là món ăn khoái khẩu của chúng. Những chú chuột cắn phá quả, hạt sâm tàn bạo.
Đến mùa thu hoạch quả sâm, chùm quả trước đó đã được bọc bằng hộp nhựa có đục lỗ hoặc túi lưới để bảo vệ trước thời tiết khắc nghiệt cũng như sự phá phách của những loài chim chuột. Anh Hồ Văn Dêm (người Xơ Đăng, ở nóc Con Pin, xã Trà Linh), nhân viên tại Trạm dược liệu Trà Linh thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, chất lượng hạt giống sâm Ngọc Linh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm và tỷ lệ hình thành cây giống. Số hạt sâm được dùng làm nguồn giống để nhân rộng diện tích trồng sâm cho các mùa sau. Điều đặc biệt, do mang trong mình nhiều công dụng đặc trưng về mặt dược liệu, những hạt sâm Ngọc Linh quý hiếm rất có giá trị trên thị trường. Người dân nơi đây mà phần lớn là người Xơ Đăng cũng như những công ty chuyên trồng và sản xuất sâm Ngọc Linh cũng hiếm khi bán hạt ra ngoài. Họ chủ yếu giữ gìn và ươm mầm hạt sâm quý để làm giống cho những mùa sau. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, hoa và lá của loại sâm được ví là “quốc bảo của Việt Nam” bất ngờ được rao bán tràn ngập thị trường. Trên mạng xã hội, chỉ cần gõ “hoa sâm Ngọc Linh” hay “lá sâm Ngọc Linh” ngay lập tức cho ra hàng trăm kết quả. Bất ngờ hơn, giá của những mặt hàng này vô cùng rẻ. Như loại hoa sâm đã kết quả khá to, được bán với giá từ 5 đến 8 triệu đồng.
Trên thị trường, có loại hạt hoa sâm Ngọc Linh được rao bán với giá từ 5-8 triệu đồng/kg, lá hoa sâm tươi giá từ 1,5-3 triệu đồng/kg. Mức giá này được cho là siêu rẻ, khiến nhiều người không khỏi giật mình đặt câu hỏi về nguồn gốc cũng như chất lượng của loại hàng này. Nói về điều này, ông Hồ Văn Du, người có vườn sâm lớn trên xã Trà Linh khẳng định không thể có chuyện bán lá sâm và hạt sâm rẻ như vậy được. Với người dân và cả những công ty trồng sâm Ngọc Linh, không chỉ củ sâm, mà lá và hạt sâm cũng quý như chính tính mạng của mình vậy. Ông Hồ Văn Du cho biết mỗi nhánh cây sẽ có một bông hoa. Tuy nhiên, cây sâm Ngọc Linh thường chỉ có một nhánh, rất ít cây có 2-3 nhánh. Thế nên, lượng hạt lại càng ít.
Anh Trần Xuân Huấn (37 tuổi, trạm phó Trạm dược liệu Trà Linh) cho biết, mỗi mùa trạm thu hoạch khoảng 80.000 quả, hạt sâm. Hiện giá bán bình quân trên thị trường tầm 70.000-100.000 đồng/hạt. Mỗi lon khoảng 1.000 hạt thì giá cũng ngót 100 triệu đồng, hoảng 2.000 hạt sẽ được 1kg. Trên thị trường, giá hạt giống sâm Ngọc Linh vô cùng đắt đỏ, lên tới 240 triệu đồng/kg. Vậy nên, mùa hoa đậu quả người dân thường dùng lưới bọc hoa bảo vệ hạt để thu hoạch làm giống, không ai hái hoa hay mang hạt đem bán với giá rẻ như vậy.
Trạm dược liệu Trà Linh thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam nằm chót vót trên đỉnh núi Ngọc Linh, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có vườn sâm Ngọc Linh rộng hơn 50ha với 250.000 cây, được coi là vườn sâm gốc quý giá lớn nhất của tỉnh này, nơi cung cấp nguồn giống cho người dân và doanh nghiệp trồng. Thường khi trồng sâm Ngọc Linh sinh trưởng trong tự nhiên, nhiều nhà vườn hay trồng cây sâm giống quanh các gốc cây cổ thụ trong vườn để lấy bóng râm và mùn tự nhiên. Những người Xơ Đăng tự trồng, hoặc các nhân viên của Trạm dược liệu Trà Linh mùa này đang tất bật cho vụ gieo giống sâm mới. Mỗi người một việc, người hái những hạt sâm chín mọng đỏ chót, người làm đất, người gieo hạt vào những khuôn đất, người chăm sóc những cây sâm mới được trồng… tất cả đều mong những hạt cây lớn dần lên, phủ khắp trên những sườn núi giăng màn này, để đời sống người dân giàu có hơn, quốc bảo của Việt Nam nhiều hơn nữa và mang lại giá trị lớn hơn khi mang ra với thị trường quốc tế.
Theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 200.000ha trồng sâm tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu và Lào Cai. Đồng thời, xây dựng, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trồng sâm Việt Nam tập trung tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lai Châu, Lâm Đồng và Nghệ An, với diện tích khoảng 27.390ha…