Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Lễ Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão 2023

Nguyệt Anh - 08:58, 05/02/2023

Đêm 4/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) đã diễn ra Lễ Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão 2023.

Nghi lễ rước Kiệu ấn từ 22h40 đến 23h10, trước giờ Khai ấn. Ảnh: TTXVN
Nghi lễ rước Kiệu ấn từ 22h40 đến 23h10, trước giờ Khai ấn. Ảnh: TTXVN

Lễ Khai ấn (đêm 14 tháng Giêng) là nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần truyền thống, gồm các hoạt động: Lễ dâng hương; lễ rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường; nghi lễ Khai ấn, dâng chúc văn.

Đọc diễn văn tại Lễ khai ấn, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định Phạm Duy Hưng khẳng định, công lao to lớn của vương triều nhà Trần - một trong những triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông. Các vua Trần đã có công khai sông, lấn biển, mở mang bờ cõi, xây dựng quê hương đất nước, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

"Lễ Khai ấn được duy trì tổ chức hằng năm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Nam Định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố Nam Định" - Chủ tịch UBND thành phố Nam Định nhấn mạnh.

Nghi thức dâng lễ trước giờ Khai ấn. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Nghi thức dâng lễ trước giờ Khai ấn. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Tại lễ Khai ấn, trước ban thờ Trung Thiên, Đền Thiên Trường, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh đã dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các vị Vua Trần và Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; qua đó động viên cán bộ và nhân dân trong tỉnh Nam Định tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, ra sức phấn đấu học tập, lao động, sáng tạo, cống hiến tài năng, tâm sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

14 cụ cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn (14 cánh ấn bằng giấy màu vàng). Những lá ấn này sau đó được dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng. Sau khi hoàn thành nghi lễ Khai ấn, từ 23 giờ 55 phút, cửa đền mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách.

Các bậc cao niên phường Lộc Vượng thực hiện nghi lễ Khai ấn.
Các bậc cao niên phường Lộc Vượng thực hiện nghi lễ Khai ấn.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão 2023 tổ chức từ ngày 1 đến 6/2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Trong đó, ngày 1/2 (tức ngày 11 tháng Giêng) tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ; ngày 2/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tổ chức lễ rước Nước - tế Cá. Ngày 4/2 (tức ngày 14 tháng Giêng) tổ chức lễ Khai ấn. Ngày /-2 (tức ngày 15 tháng Giêng), từ 2h thực hiện lễ hồi kiệu ấn, từ 5h tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách tại 3 địa điểm: Nhà Giải vũ, nhà Trưng bày và Đền Trùng Hoa. Ngày 6/2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tổ chức tế lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Vương triều Trần và thực hiện lễ dâng chúc văn hoàn cung.

Các cụ cao niên thực hiện nghi lễ dâng hương trước giờ Khai ấn. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Các cụ cao niên thực hiện nghi lễ dâng hương trước giờ Khai ấn. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Sau ba năm không tổ chức để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, năm nay, Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão được tổ chức trở lại. Lực lượng an ninh trật tự, công an đã tập dượt và lên kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh. Trong ngày diễn ra lễ Khai ấn đền Trần, công tác đảm bảo an ninh được chú trọng với 5 vòng an ninh, 30 chốt bảo đảm an ninh.

Các đại biểu dự Lễ dâng hương Khai ấn đền Trần.
Các đại biểu dự Lễ dâng hương Khai ấn đền Trần.

Lễ hội đã được tổ chức trang trọng, an toàn, qua đây tiếp tục khẳng định ý nghĩa nhân văn lớn lao lễ hội là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, khơi dậy niềm tự hào về Hào khí Đông A sáng ngời của quân dân Đại Việt ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông xâm lược.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.