Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Lễ hội mùa Xuân ở làng Cheng Tông

Minh Ngọc - 08:25, 10/02/2023

Từng phải dời làng vì sạt lở đất cách đây hơn 5 năm, nhiều người dân làng Cheng Tông (thôn 1, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) hôm nay đã an cư tại nơi ở mới. Trong mùa Xuân mới này, đồng bào tổ chức Lễ hội cúng máng nước theo đúng phong tục của người Xơ Đăng.

Vào những ngày đầu năm mới, người Xơ Đăng sẽ tổ chức Lễ cúng máng nước.
Vào những ngày đầu năm mới, người Xơ Đăng tổ chức Lễ cúng máng nước.

Già làng Phạm Khải Hành không giấu nỗi niềm vui, niềm hạnh phúc khi những băn khoăn, trăn trở suốt bao năm qua về việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nay đã bắt đầu trở thành hiện thực. Đã gần 5 năm trôi qua kể từ ngày người Xơ Đăng dời làng cũ về tái định cư tại ngôi làng Cheng Tông mới, gần 100 hộ đồng bào nơi đây chưa có điều kiện để tổ chức những buổi sinh hoạt đúng nghĩa theo tập tục của đồng bào mình. Chính vì thế, từ ngày 3 đến ngày 5/2/2023, Lễ cúng máng nước của người Xơ Đăng diễn ra tại làng Cheng Tông là một lễ hội quan trọng của người dân trong làng.

Lễ cúng máng nước là một trong những lễ hội quan trọng và là một phong tục đẹp hiện vẫn được đồng bào Xơ Đăng.
Lễ cúng máng nước là một trong những lễ hội quan trọng và là một phong tục đẹp hiện vẫn được đồng bào Xơ Đăng lưu giữ

Già làng Phạm Khải Hành cho biết, theo quan niệm của dân tộc Xơ Đăng, Lễ cúng máng nước với ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, mọi người trong làng được khoẻ mạnh, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau chống lại dịch bệnh, thiên tai, thú dữ… Vào những ngày đầu năm mới, người Xơ Đăng sẽ tổ chức Lễ cúng máng nước. Trước khi thực hiện lễ cúng, làng sẽ chuẩn bị nhiều lễ vật. Tất cả đàn ông trong làng đều mang lễ vật vào địa điểm lấy nước trên dòng suối. Già làng sẽ đọc bài cúng xin thần núi, thần rừng ban phước lành cho dân làng làm ăn thuận lợi, đoàn kết và ban cho dân làng nguồn nước trong lành quanh năm.

Đông đảo người dân tập trung về dự Lễ cúng máng nước
Đông đảo người dân tập trung về dự Lễ cúng máng nước

Sau khi thực hiện xong nghi lễ, thanh niên trong làng chặt những ống tre, đặt ống dẫn nước xuống khe suối để đưa nước về tận làng để người dân tiện sinh hoạt. Khi nguồn nước về tới máng của làng, già làng tiếp tục tạ ơn thần linh. Với ý nghĩa tạ ơn Thần Nước đã đem lại những may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi trong năm mới, Lễ cúng máng nước là một trong những lễ hội quan trọng và là một phong tục đẹp hiện vẫn được đồng bào Xơ Đăng gìn giữ.

Đàn ông trong làng đều mang lễ vật vào địa điểm lấy nước trên dòng suối.
Đàn ông trong làng đều mang lễ vật vào địa điểm lấy nước trên dòng suối.

Tại xã Trà Cang, nhiều năm qua, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, các khu tái định cư đa số chưa thể xây dựng được nhà cộng đồng. Để đồng bào các DTTS có nơi sinh hoạt tập trung, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chính quyền xã Trà Cang đã vận động người dân dựng nhà Rông để đón Tết. Ngôi nhà Hy Suốt (một dạng nhà rông) là nhà sinh hoạt cộng đồng của làng Cheng Tông được xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2020, đầu năm 2021. Đây là công trình xuất phát từ ý tưởng đến hình thức xây dựng và cách huy động sự đóng góp của người dân. Ngôi nhà cộng đồng này là công trình của sự đoàn kết, chung sức, chung lòng mà bà con trong làng đã tự nguyện quyên góp công sức, cây, lá… xây dựng nên.

Bà con người Xơ Đăng tập trung tại ngôi nhà Hy Suốt (nhà sinh hoạt cộng đồng của làng) để đón dòng nước mát về
Bà con người Xơ Đăng tập trung tại ngôi nhà Hy Suốt (nhà sinh hoạt cộng đồng của làng) để đón dòng nước mát về

Từ khi về làng mới, cuộc sống người dân Xơ Đăng đã đổi thay đáng kể. Dọc theo con đường làng, những căn nhà được bà con dựng lên khang trang. Nhờ quỹ đất được đáp ứng, nên các hộ ở đây có không gian sống khá thoải mái. Cách đây gần 2 năm, làng Cheng Tông cũng đã khánh thành ngôi trường mầm non cho các em đi học gần nhà.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trà Cang Trần Xuân Mố cho biết, thôn 1 (xã Trà Cang) có tổng cộng 204 hộ với 794 nhân khẩu, đều là đồng bào Xơ Đăng sinh sống lâu đời trên 8 nóc làng riêng biệt. Làng Cheng Tông có 100% người dân là đồng bào dân tộc Xơ Đăng, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, dân trí thấp. Trong vài năm gần đây, làng có nhiều thay đổi đáng kể. Trong số 37 hộ dân sinh sống, nay chỉ còn 8 hộ nằm trong diện nghèo, chủ yếu là người già neo đơn, không có khả năng lao động. Đường vào làng Cheng Tông nay đã có cây cầu treo chắc chắn bắc qua sông Tranh thay cho cầu tre trước đây người dân góp công sức dựng lên để trẻ con có đường đi học. 

Thanh niên trong làng chặt những ống tre, đặt ống dẫn nước xuống khe suối để đưa nước về tận làng.
Thanh niên trong làng chặt những ống tre, đặt ống dẫn nước xuống khe suối để đưa nước về tận làng.

Cũng theo ông Trần Xuân Mố, với nỗ lực khôi phục bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chi bộ các thôn và tinh thần đoàn kết của bà con, niềm hy vọng về một nền văn hóa bền vững của người Xơ Đăng đang sắp trở thành hiện thực. “Đây cũng là tấm gương, động lực để các thôn, làng khác trên địa bàn xã Trà Cang thực hiện, làm theo trong công cuộc phát huy tinh thần dân tộc, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, phong phú hơn”, ông Mố nói.

Khi nguồn nước về tới máng của làng, già làng hứng nước để tạ ơn thần linh.
Khi nguồn nước về tới máng của làng, già làng hứng nước để tạ ơn thần linh.
Nguồn nước trong lành về làng
Nguồn nước trong lành về làng
Niềm vui ngày hội
Niềm vui ngày hội
Người Xơ Đăng đang nỗ lực bảo tồn các nghi lễ văn hóa truyền thống gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Người Xơ Đăng đang nỗ lực bảo tồn các nghi lễ văn hóa truyền thống gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.