Đền Rồng là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, còn được gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu hay Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi, gắn bó với con người cùng cỏ cây, muông thú. Đền Nước là nơi thờ Mẫu Thoải hay còn được gọi là Mẫu Đệ Tam cai quản vùng sông nước.
Theo truyền thuyết, các vị thánh Mẫu được thờ trong hai ngôi đền ngoài vai trò trông coi cai quản rừng núi, sông biển thì các vị nữ Thánh còn có công cứu giúp các vị tướng lĩnh và nhà vua đi chinh chiến dẹp giặc.
Tương truyền vào những năm chống quân Minh xâm lược, các vị Thánh Mẫu đã nhiều lần báo mộng cho nghĩa quân Lam Sơn cùng chủ soái Lê Lợi thoát được hiểm nghèo khi bị quân địch vây giáp và những báo mộng để Lê Lợi ra kế sách tiêu diệt quân xâm lược. Với công trạng đó, nhà Lê đã ban 5 đạo sắc phong cho đền Rồng.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, khi Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, trên đường dừng chân nghỉ lại bên đền thiêng cũng được các bị thần báo mộng cho vị quân vương những quốc sách để thần tốc bách chiến bách thắng quân xâm lược. Ngày khải hoàn, vua Quang Trung cũng đã ban một đạo sắc phong cho đền Rồng. Đến thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng cũng sắc phong một lần cho ngôi đền thiêng để tạ ơn thần Rồng, thần Nước đã bảo quốc, hộ dân.
Hiện nay cụm di tích đền Rồng - đền Nước là nơi thờ tự Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt. Đây là hai vị Thánh Mẫu bảo hộ, che chở cho cuộc sống của Nhân dân được ấm no, bình an, hạnh phúc.
Lễ hội truyền thống đền Rồng - đền Nước được chính quyền địa phương tổ chức vào ngày 24/2 âm lịch hàng năm, với nghi thức rước kiệu linh đình từ đền Rồng sang đền Nước. Lễ hội được diễn ra với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.
Việc tổ chức lễ hội đền Rồng - đền Nước hàng năm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những anh hùng vì nước, vì dân.