Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lễ hội của những người nông dân Bắc Hà: Thương hiệu du lịch miền cao nguyên trắng (Bài 1)

Thuỳ Anh - Trọng Bảo - 07:49, 18/08/2022

Sau những ngày dầm mưa dãi nắng trên nương, người nông dân Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) lại được sống trong không khí lễ hội độc đáo nhất Tây Bắc - đua trên những chú ngựa không yên. Kỵ sĩ tham gia tranh tài trên lưng ngựa là những nông dân chân lấm, tay bùn trên nương rẫy. Đến nay hoạt động thể thao, văn hóa này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đã trở thành thương hiệu du lịch miền cao nguyên trắng.

Anh Vàng Văn Huỳnh, xã Na Hối chăm sóc ngựa
Anh Vàng Văn Huỳnh, xã Na Hối chăm sóc ngựa

Vó ngựa Bắc Hà

Trước đây, đường sá đi lại ở Bắc Hà rất khó khăn, phương tiện đi lại của bà con nông dân chủ yếu là ngựa; ngựa thồ hàng hóa, ngựa kéo cày trên nương… Chính vì vậy, con ngựa không chỉ là vật nuôi, mà còn là người bạn của những người nông dân nơi rẻo cao này.

Rồi những khi xuống chợ, trai bản thường rủ nhau đua ngựa, ai thua sẽ phải trả tiền rượu, người thắng thì được thưởng rượu. Cứ thế, cưỡi ngựa như một thói quen hằng ngày, một nét văn hóa riêng có, sau này được nâng tầm lên trở thành lễ hội đua ngựa của người nông dân vùng cao Bắc Hà.

Theo những vị cao niên ở Bắc Hà, lễ hội đua ngựa có từ rất lâu và cũng chẳng còn ai nhớ chính xác thời gian nữa. Sau này, vào những năm 1960-1975, Huyện đội Bắc Hà huấn luyện dân binh, hằng năm tổ chức thi cưỡi ngựa bắn súng K30 dài như súng kíp và được duy trì đến cuối những năm 80 của thế kỷ 20. Bây giờ, những người đầu tiên tham gia các cuộc thi ấy cũng chẳng còn nhiều và cũng đã 80-90 tuổi cả rồi.

Nghệ nhân Vàng Văn Xiểu (người Tày) ở thôn Na Lo, xã Tà Chải, thị trấn Bắc Hà, là nhà vô địch trong giải đua ngựa đầu tiên tổ chức tại huyện Bắc Hà năm 1972, mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn miệt mài với những cung đường đua lịch sử của huyện.

Ông Xiểu kể, “từ khi còn bé các em nhỏ đã theo bố mẹ lên nương, con trai theo bố tập cưỡi ngựa, con gái cùng mẹ cắt cỏ. Tối về, cả nhà lại cùng nhau thái cỏ cho ngựa ăn. Với các dân tộc ở Bắc Hà, con ngựa đã trở thành một người bạn không thể thiếu trong  đời sống.

Với người Tày, Phù Lá chọn con ngựa để đón cô dâu về nhà chồng, vì ngựa sẽ bảo vệ cho cô dâu suốt chặng đường đi. Còn với người Mông, người Nùng, thì dùng ngựa trong đám tang làm phương tiện vận chuyển đưa người chết về với thế giới tổ tiên. Trong đời sống văn hóa tinh thần, người Nùng có tập quán cúng dâng ngựa vào dịp tết nguyên đán và múa ngựa giấy…

Du khách chụp ảnh cùng Cô gái Phù Lá cưỡi ngựa diễu hành trên phố
Du khách chụp ảnh cùng Cô gái Phù Lá cưỡi ngựa diễu hành trên phố

Vào ngày Ngọ đầu tiên của năm mới, trong nghi lễ xuất hành, người dân dùng ngựa để diễu hành quanh đường lớn, báo hiệu vào vụ sản xuất mới sau thời gian nghỉ ngơi của cả người và vật nuôi. Trước lễ hội đua ngựa là nghi lễ cúng để cầu may, cầu cho một mùa màng bội thu, cho cây ngô ra bắp, cho cây lúa trổ bông, cho những người đua ngựa giữ chắc yên cương và luôn bình an”.

Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Bắc Hà cho biết, “lễ hội đua ngựa là sân chơi đoàn kết của 14 nhóm, ngành dân tộc anh em trên địa bàn huyện; đồng thời cũng là nơi thực hành tín ngưỡng của bà con. Tất cả các nài ngựa tham gia tranh tài, đều là người nông dân giản dị, chất phát quanh năm với công việc trên nương rẫy. Ngựa đua không yên cương, người đua ngoài mũ bảo hiểm, thì không trang bị bảo hộ, họ tham gia đua ngựa như hình thức thể hiện sức khỏe, bản lĩnh và tinh thần thượng võ…”

Với những giá trị văn hoá riêng có, năm 2021 Lễ hội đua ngựa Bắc Hà đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; năm 2022 là năm đầu tiên huyện Bắc Hà thực hành nghi lễ theo hồ sơ di sản đã được công nhận.

Nhà vô địch chân đất

Kế tục lớp cha ông đi trước, anh Vàng Văn Huỳnh ở xã Na Hối, là một trong những người đầu tiên tham gia đua ngựa và liên tục đạt giải cao trong nhiều năm liền, từ khi Lễ hội được khôi phục và nâng tầm lên thành một sản phẩm du lịch của địa phương.

Anh Huỳnh, dắt theo chú ngựa đua 16 năm tuổi nhớ lại, “khi còn nhỏ, tôi rất nể phục những nài ngựa và mong muốn, một ngày nào đó được cưỡi trên những con ngựa chạy trên đường đua. Khi đã đủ lớn, huyện tổ chức cuộc thi đua ngựa, tôi hăng hái đăng ký tham gia. Những giải đấu đầu tiên, do  chưa có kinh nghiệm nên tôi không giành giải.

Quyết không bỏ cuộc, anh Huỳnh tìm đến các ông 'thầy", là những cụ cao niên, để được truyền thụ lại kinh nghiệm đua ngựa và thuần dưỡng ngựa đua. Bằng những gì học được, anh Huỳnh vừa rèn rũa bản thân và huấn luyện lại ngựa đua năm trước. Kết quả của quá trình khổ luyện là 3 năm liên tiếp anh Huỳnh đều giành giải nhất đua ngựa toàn huyện (từ năm 2010 - 2012). 

Ông Vàng Văn Huỳnh, xã Na Hối (Bắc Hà, Lào Cai), người giữ kỷ lục 3 năm liên tiếp (2011-2012-2013)
Anh Vàng Văn Huỳnh, xã Na Hối (Bắc Hà, Lào Cai), người giữ kỷ lục 3 năm liên tiếp (2011-2012-2013)

Một trong những người thầy quan trọng của anh Huỳnh là ông Chảo Văn Dèn, người Nùng ở tổ dân phố Na Quang, thị trấn Bắc Hà - người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm thuần dưỡng ngựa đua. Theo ông Dèn, để chọn được một ngựa đua không hề đơn giản.

Ông Dèn chia sẻ, “phải mất tới 6 năm để chăm sóc, nuôi, thuần dưỡng một con ngựa từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành và có thể tham gia đua. Nhưng không phải con nào cũng đua được, người Bắc Hà mình có những bí quyết chọn ngựa riêng… nhưng nhất quyết, con ngựa phải có ngực nở rộng, hai chân sau phải thẳng, bụng phải bé. Ngựa trước khi tham gia đua khoảng hơn 1 tháng, không được cho ăn ngô vì ngô cứng sẽ làm ngựa đau răng, sưng lợi, ăn cỏ nhiều thì to bụng không chạy được. Thay vào đó, cho ngựa ăn thóc và ăn cháo bí đỏ; có điều kiện hơn thì cứ một tuần cho ngựa ăn hai bữa trứng sống, hoặc cho ăn thêm đậu tương ninh nhừ trộn với cỏ băm nhỏ… Khi huấn luyện thì cho ngựa tập ở ruộng lầy dễ thuần hơn sau này ngựa chạy sẽ êm hơn, có đội mũ nón cũng không rơi”.

Người huấn luyện còn phải biết bệnh của ngựa để chữa khi ngựa bị ốm. Nếu ngựa bỏ ăn, thì chắc chắn do lưỡi bị cứng và lợi bị sưng, thì phải kéo lưỡi ngựa ra và dùng gai bưởi châm huyệt, làm sạch lợi rồi chấm nước chanh pha với do và gừng vào, chỉ vài hôm sau là khỏi bệnh”.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.