Lễ khai mạc Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ và chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (1/5) và 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) diễn ra với quy mô hoành tráng, đặc sắc, tạo ấn tượng với hàng ngàn khán giả. Bên cạnh các hoạt động chính, Lễ hội còn có nhiều hoạt động hưởng ứng như chương trình "Trò chơi dân gian", chương trình "Bánh dân gian và tuổi thơ", các đêm biểu diễn thời trang, nghệ thuật phục vụ khách tham quan.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết: Bánh dân gian Nam Bộ là loại hình văn hóa, ẩm thực đặc trưng của người phương Nam. Trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu giữa các dân tộc, người dân đã tận dụng sáng tạo những nguyên liệu từ gạo nếp để chế biến thành các loại bánh dân gian, chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc, gần gũi và đi vào tâm thức người dân Nam Bộ và du khách gần xa.
“Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ đã trở thành sự kiện du lịch quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và giá trị dân gian Nam Bộ nói riêng; tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo của nghệ nhân làm bánh dân gian; đẩy mạnh ngành chế biến, sản xuất bánh dân gian trở thành đặc sản Nam Bộ, từng bước xây dựng thương hiệu, thúc đẩy du lịch thành phố ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế", ông Hiện cho biết.
Đây là sự kiện quy mô, được tổ chức thường niên tại TP. Cần Thơ, nhằm góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực của TP. Cần Thơ nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo Ban tổ chức, có khoảng 300 gian hàng và 100 loại bánh dân gian được giới thiệu tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 10 năm 2023. Hội thi không chỉ tạo cơ hội để các nghệ nhân sáng tạo và nâng cao kỹ năng, mà còn là cơ hội để giới thiệu tinh hoa ẩm thực dân gian với đa dạng loại bánh của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm.
Lễ hội chia thành các khu: Bánh dân gian Nam Bộ; sản phẩm OCOP; khu trưng bày dụng cụ làm bánh dân gian; ẩm thực; thủ công mỹ nghệ; quà tặng lưu niệm.
Năm 2023, Hội thi có 27 đơn vị dự thi, 73 món bánh, quy tụ 168 nghệ nhân (47 nghệ nhân chính và 121 nghệ nhân hỗ trợ) đến từ 11 đơn vị: TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Ðồng Tháp và Bình Thuận.
Các nghệ nhân đã có sự chuẩn bị chu đáo cho Hội thi, với đa dạng bánh dân gian và nhiều loại bánh mới, độc đáo, sáng tạo: bánh xèo hoa mít, bánh khọt nhân ốc gạo, bánh quy dừa lá dứa nhân trứng muối, bánh lá mướp, bánh tằm Thới Long sấy khô, bánh sầu riêng. Nhiều nghệ nhân tham dự với các loại bánh với tên gọi trái cây như bánh mãng cầu, măng cụt, cà chua, cà tím... Đặc biệt, có nhiều loại bánh dân gian của đồng bào dân tộc Khmer, Chăm được trưng bày và chế biến tại Lễ hội.
Lễ hội bánh dân gian nhằm tăng cường giao lưu về văn hóa giữa các tỉnh, thành trong nước, với bạn bè quốc tế, vừa là cơ hội để quảng bá, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ. Lễ hội diễn ra từ 28/4 đến 2/5, Lễ tổng kết, bế mạc, vào 19h ngày 2/5, tại sân khấu Lễ hội Quảng trường quận Bình Thủy.