Đối với người Mnông sinh sống ven hồ Lắk, chiếc thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện lao động quan trọng, mà còn là tài sản khẳng định vị thế xã hội trong cộng đồng bon, buôn. Gia đình có điều kiện về nhân lực, của cải vật chất thì mới có từ 2 thuyền trở lên. Ngược lại, với những gia đình khó khăn thì làm được 1 cái hoặc không có.
Hiện nay, thuyền độc mộc còn được dùng là phương tiện phục vụ khách du lịch lướt quanh hồ Lắk thơ mộng, ngắm phong cảnh hữu tình với thảm thực vật phong phú của đại ngàn. Hình ảnh chiếc thuyền độc mộc mảnh mai trên mặt hồ trở thành nét đẹp đặc trưng của Tây Nguyên nói chung và huyện Lắk nói riêng.
Ông Y Sớ Ênuôl ở buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk làm nghề thầy cúng nhiều năm nay chia sẻ: Để làm một chiếc thuyền độc mộc đẹp, là cả một quá trình chuẩn bị và thực hiện tỷ mỉ, công phu, như phải vào rừng tìm gỗ sao, thân to và thẳng. Trước khi chặt cây, phải cúng Yang, xin phép thần rừng rồi mới đốn hạ. Để làm xong một chiếc thuyền phải mất cả tháng, thậm chí đến vài tháng…
Do vậy, với mong muốn có sự may mắn, an toàn cho gia chủ và chiếc thuyền, nên trước khi hạ thủy, đồng bào thường tổ chức cúng thần sông (còn gọi là lễ cúng hạ thủy thuyền).
Nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, vừa qua UBND huyện Lắk tổ chức phục dựng Lễ cúng hạ thủy thuyền tại bến thuyền Biệt điện Bảo Đại, Hồ Lắk, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk. Lễ hạ thủy lần này đã cúng cho 19 chiếc thuyền của 19 gia đình tại buôn Lê và buôn Jun, thị trấn Liên Sơn.
Trước khi thầy cúng tiến hành làm lễ, đội cồng chiêng diễn tấu bài chiêng Gông gọi Yang về chứng giám, đồng thời mời bà con buôn làng đến cùng chứng kiến, chung vui. Sau đó, thầy cúng sẽ khấn gọi “Yang sông, Yang núi, Yang rừng, Yang thuyền, mong các Yang phù hộ, che chở cho chủ thuyền may mắn, đánh bắt được nhiều tôm cá. Cảm tạ thần rừng đã sản sinh, nuôi nấng ra cây gỗ to lớn, chắc khỏe để làm nên chiếc thuyền như bây giờ”.
Khấn xong, thầy cúng mang bát tiết heo trộn rượu cần, quét tiết lên từng đầu con thuyền, mong muốn các vị thần chứng giám, nhận các lễ vật mà chủ lễ dâng, phù hộ cho chủ thuyền sức khỏe, may mắn, đánh bắt được nhiều tôm, cá. Rồi thầy cúng mời lần lượt từng chủ thuyền lên uống rượu cần, với ý nghĩa nhận một phần lễ vật mà Yang ban cho
Ông Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết: Thuyền độc mộc là một loại thuyền truyền thống có lịch sử từ lâu đời của đồng bào Tây Nguyên. Thuyền độc mộc được chế tác từ thân gỗ sao, có tuổi thọ hàng trăm năm. Trong các buôn đồng bào dân tộc Mnông sống ven hồ Lắk, vẫn còn lưu giữ những chiếc thuyền độc mộc nhiều năm tuổi.
Mỗi con thuyền cũng chính là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân của người chế tác gắn với chiếc thuyền độc mộc. Ngoài tri thức dân gian được tích lũy để chọn lựa gỗ, quy trình chế tác, cách thức sử dụng, các cộng đồng bản địa Tây Nguyên nói chung và người Mnông huyện Lắk nói riêng còn có những nghi lễ, phong tục tập quán... mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện cách ứng xử giữa con người với tự nhiên, rừng và sông nước.
Lễ hạ thủy thuyền gắn với Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần. Chủ trương tổ chức phục dựng nghi lễ cúng hạ thủy thuyền, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Mnông trên địa bàn.