Giữ gìn mạch nguồn của sự sống
Già làng Rơ Châm Bôm ở làng Krêl, xã Ia Krêl) năm nay đã ngoài 80 tuổi kể rằng, người Gia Rai khi xưa lập làng thường chọn nơi có nguồn nước dồi dào như gần sông, suối để phục vụ đời sống của con người và lao động sản xuất. Để tạ ơn thần linh, người làng hằng năm vẫn tổ chức Lễ cúng giọt nước và cầu xin một năm mới sức khỏe, mưa thuận gió hòa, lúa thóc về đây kho,…
Tuy nhiên, già Rơ Châm Bôm cũng như bao đồng bào Tây Nguyên khác chẳng biết lễ cúng giọt nước có tự bao giờ, ông chỉ biết nó đã được dân làng truyền lại từ đời này qua đời khác và gìn giữ cho đến nay. Hiện nay, người Gia Rai ở làng Ia Krêl có 3 lễ cúng chính trong 1 năm: Lễ cúng giọt nước, Lễ cúng nhà rông, Lễ cúng nhà mồ. Trong đó, Lễ cúng giọt nước là lễ quan trọng nhất đối với dân làng vì đồng bào quan niệm, giọt nước là mạch nguồn của sự sống.
Nở nụ cười hiền lành, già Rơ Châm Bôm chia sẻ: Vài làng lân cận có làng đã bỏ đi Lễ cúng giọt nước rồi, vì không tìm được nguồn nước. Còn làng mình thì vẫn tìm được nguồn nước đổ về nên lũ làng tin Yàng đã phù hộ cho dân làng. Hằng năm, dân làng vẫn góp tiền để tổ chức lễ cúng nhưng năm nay được sự quan tâm của các cấp chính quyền, lễ cúng được phục dựng quy mô hơn. Người làng vui lắm, từ sáng sớm đã tập trung đến bến nước để cùng nhau dọn dẹp bến nước, góp sức tổ chức lễ.
Nét đẹp văn hóa tâm linh
Theo già Rơ Châm Bôm, Lễ cúng giọt nước được tổ chức ngay tại bến nước của làng. Tham gia nghi thức cúng có 7 người, trong đó, 3 người cúng chính, 4 người còn lại phụ cúng. Vật phẩm cho lễ cúng gồm có: Heo, gà, gạo nếp và rượu ghè… Sau khi heo, gà được làm xong, người phụ lễ lấy gan, phổi, đuôi của các con vật này cùng 1 ghè rượu lớn đặt lên bàn cúng và cây nêu tại giọt nước. Khi tất cả đã chuẩn bị xong, các thầy cúng bắt đầu tiến hành nghi thức cúng.
Trong cái nắng vàng như rót mật của Tây Nguyên, các thầy cúng tiến hành nghi thức cúng trong không khí trang nghiêm trước sự chứng kiến của đông đảo khách mời và dân làng. Khi thầy cúng kết thúc nghi lễ, dân làng Krêl bắt đầu bữa tiệc, họ trân trọng mời những vị khách quý thưởng thức rượu cần trước rồi mới đến dân làng.
Nhấp ngụm rượu cần, ông Rơ Mah Quách, Phó Bí thư Chi bộ làng Krêl, một trong 7 thầy cúng của làng chia sẻ: Để tổ chức được lễ cúng này, già làng, Người có uy tín và các cán bộ thôn làng đã phải họp bàn rất kỹ, sau đó mới thông báo với dân làng. Lễ cúng thường tổ chức vào tháng 10 hằng năm để đúng với truyền thống dân tộc. Khi lễ cúng xong thì dân làng sẽ đi thu hoạch lúa.
“Khi cúng, thầy cúng sẽ xin Yàng, thần nước, thần lúa, thần nhà rông… để xin thần cho nguồn nước sạch, dồi dào. Khấn xin cho dân làng sức khỏe, mùa màng bội thu, lúa thóc đầy kho, dân làng ai ai cũng ấm no, con cái ngoan ngoãn... Sau lễ cúng giọt nước, ngày hôm sau dân làng sẽ về nhà rông để tổ chức lễ cúng nhà rông. 2 lễ cúng này phải thực hiện liên tục trong 2 ngày, không thể tách rời nhau”, già Quách nói.
Tiếp lời già Quách, già làng Bôm kể: “Giọt nước của đồng bào có khi được lấy từ suối nguồn, bến sông nhưng chủ yếu là lấy từ mạch núi. Khi xưa, nguồn nước được dẫn về bằng các ống lồ ô, còn ngày nay thì đã được bê tông hóa. Tuy vậy, người làng vẫn gìn giữ tín ngưỡng và văn hóa của mình. Mỗi sớm, khi con gà cất tiếng gáy đầu tiên, chị em lại gùi chai ra bến nước để lấy nước về sinh hoạt”.
Tạo sự gắn kết, hướng về nguồn cội
Mời chúng tôi đi ra bến nước, ông Rơ Mah Chel, Người có uy tín làng Krêl hứng giọt nước mát lành và mời chúng tôi uống thử rồi kể: Dân làng mình bây giờ cuộc sống cũng đã bớt khó khăn hơn xưa. Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, người làng còn tập trung bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Vừa qua, được sự quan tâm của của các cấp, chính quyền, Lễ cúng giọt nước được phục dựng quy mô hơn, đông đảo người dân và du khách tới tham quan, dân làng vui lắm.
Trong câu chuyện với già Bôm, già Quách và già Chel, chúng tôi cảm nhận được sự trân trọng của các già làng với lễ cúng quan trọng này. Mỗi năm 1 lần, dân làng sẽ tổ chức lễ cúng giọt nước để thể hiện sự biết ơn với bề trên và tạo nên sự gắn kết của dân làng. Người làng cho rằng, sống chung với nhau là chung một cội nguồn, uống chung mạch nước là có sự gắn bó bền chặt. Và sự kết nối bền chặt ấy đã được thắt chặt từ bao đời nay.
Nhiều năm qua, người làng Krêl vẫn gìn giữ, tổ chức lễ cúng, giữ gìn văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, cùng với sự quan tâm của các cấp, chính quyền đã giúp người dân phục dựng các lễ cúng bài bản, quy mô hơn nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.