Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lễ đạp tro của người Gia Rai

PV - 11:35, 21/01/2021

Sau khi tổ chức đám cưới, để bày tỏ lòng thành kính, đền đáp công ơn của cha mẹ, gắn kết tình nghĩa anh em, bạn bè, đồng thời tiễn người con trai về nhà vợ, đồng bào Gia Rai thường tổ chức lễ Joă H’Bâu hay còn gọi Lễ đạp tro.

Sau khi tổ chức đám cưới, trong thời gian 3-7 ngày, người Jrai thường làm lễ Joă H’Bâu. Ảnh: R' Ô Hok
Sau khi tổ chức đám cưới, trong thời gian 3-7 ngày, người Gia Rai thường làm lễ Joă H’Bâu. Ảnh: R' Ô Hok

Theo tập tục của đồng bào Gia Rai, sau khi tổ chức đám cưới, người con trai phải tất bật dọn dẹp đồ đạc của mình để về nhà vợ. Sau khi cưới 3-7 ngày, người Gia Rai thường tổ chức lễ Joă H’Bâu.

Lễ này có ý nghĩa đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, gắn kết tình nghĩa anh em, bạn bè lâu bền. Đồng thời, đây cũng là việc tiễn người con trai về nơi ở mới, gắn bó suốt đời với người vợ. Do đó, để thể hiện bổn phận của mình, đôi vợ chồng trẻ phải chọn 1 ngày trong tuần, thường là ngày lẻ để về lại nhà bố mẹ chồng, mời anh em, bạn bè đến dự lễ Joă H’Bâu.

Anh Kpă Vũ (buôn Toan, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Tôi mới cưới vợ ở buôn Chư Băh (xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa). Sau khi tổ chức đám cưới xong, để đền ơn cha mẹ đã nuôi dạy, thể hiện đạo lý của mình và chia tay anh em, bạn bè trước khi chính thức về nhà vợ, tôi cũng tiến hành làm lễ Joă H’Bâu”.

Thông thường, trong lễ Joă H’Bâu, người con trai sẽ đem 1 ghè rượu, 1 con heo, 1 nồi cơm cho cha mẹ; 1 ghè rượu, 1 con gà, 1 tấm chiếu cho bạn bè. Các lễ vật này người con trai phải mang từ nhà vợ đến. Địa điểm tổ chức lễ là tại nhà bố mẹ người con trai, chủ trì lễ thường là người mai mối của đôi vợ chồng trẻ. Sau khi đem các lễ vật này đến nhà cha mẹ, người con trai sẽ mời tất cả anh em, bạn bè, họ hàng thân thuộc đến chung vui với gia đình mới.

Trong buổi lễ, các thành viên trong gia đình, anh em, bạn bè sẽ ngồi lại với nhau. Tiếp đến, người con sẽ chủ động đứng lên phát biểu, nêu lý do của việc tổ chức lễ Joă H’Bâu, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ đã nuôi dạy. Cũng trong buổi lễ này, anh em, bạn bè sẽ mời nhau uống ngụm rượu ghè để ôn lại những kỷ niệm, chia sẻ, nói chuyện, dặn dò đôi vợ chồng trẻ những công việc phải làm trong thời gian sắp tới và chúc phúc cho đôi vợ chồng sống hạnh phúc, hòa thuận, cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái...

Lễ Joă H’Bâu thường tổ chức với hình thức nhỏ và ít tốn kém. Các thành viên trong buổi lễ này chủ yếu là người thân trong gia đình, bạn bè thân thiết nên về chi phí và thời gian không quá cầu kỳ, có thể tổ chức buổi sáng hoặc chiều tối, tùy theo đặc thù công việc của mỗi gia đình.

Hiện nay, đa số cặp vợ chồng trẻ tổ chức cưới theo nếp sống mới nên ở một số vùng, tục lệ này cũng ít thực hiện hơn trước kia. Nhưng với người Gia Rai, lễ Joă H’Bâu vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần, thể hiện nét đẹp trong sinh hoạt thường ngày của bà con.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.