Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lào Cai: Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn chưa "hạ nhiệt"

Trọng Bảo - 15:38, 20/05/2021

Ngày 30/10/2017, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Sau 3 năm thực hiện, tình trạng này vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội.

 Việc tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội chứ không chỉ riêng một cấp, một ngành nào
Việc tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội

Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc 

Để triển khai thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU của Tỉnh ủy Lào Cai, 3 năm qua, huyện vùng cao Bát Xát đã ban hành 24 văn bản, chỉ đạo kịp thời đối với công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. 

Cùng với đó, huyện cũng thành lập 4 tổ công tác, với 14 thành viên; thực hiện nắm tình hình, tư tưởng, dư luận trong Nhân dân tại 8 xã có đông đồng bào Mông sinh sống; tổ chức 156 hội nghị tuyên truyền; xây dựng 25 mô hình điểm về “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại 21 xã, thị trấn.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Bát Xát cho biết: Với các biện pháp, giải pháp tích cực, tình hình ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện, đã đạt được những kết quả nhất định. Trong hai năm 2018 - 2019 chính quyền phát hiện và xử lý, ngăn chặn 172 trường hợp có dấu hiệu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, còn lại là 85 trường hợp tảo hôn lén lút diễn ra. Đến nay, tình trạng tảo hôn đã giảm và đáng mừng là không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung tăng cường công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU của Tỉnh ủy gắn với thực hiện có hiệu quả Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là tiêu chí đánh giá phân xếp loại người đứng đầu cấp ủy chính quyền cơ sở. 

Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình trong đồng bào DTTS, đặc biệt trong đồng bào Mông. Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng, trưởng bản trong tuyên truyền phòng chống tảo hôn…

Cán bộ y tế huyện Bắc Hà tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Cán bộ y tế huyện Bắc Hà tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Nhiều địa phương chưa quyết liệt

Được biết, thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU của Tỉnh ủy Lào Cai, các huyện, thị xã, thành phố đã nghiêm túc triển khai với nhiều giải pháp, kế hoạch cụ thể; tuy nhiên, kết quả đạt được trên thực tế, có thể nói vẫn còn khiêm tốn.

Qua thống kê trong 3 năm (2018 - 2020), trên địa bàn tỉnh vẫn có 897 người tảo hôn và 5 cặp hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, năm 2020 có 315 người tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống. Các ngành, địa phương đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn được 659 người có ý định tảo hôn…

Theo ông Đoàn Duy Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Bắc Hà, nguyên nhân xảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhìn chung, là do nhận thức của người dân và đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế. Công tác lãnh chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt để ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, việc triển khai các quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa hiệu quả.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 33 - CT/TU do Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, ông Đặng Xuân Phong cũng đã nêu rõ: Với đặc thù là tỉnh có trên 66% đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn cao (có nơi đến trên 90%), tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó cho thấy, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU ở các ngành, địa phương chưa sát sao, quyết liệt. 

"Thời gian tới, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với trách nhiệm cao, phải thực sự quyết liệt đối với công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của Nhân dân, giúp Nhân dân thấy được hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Có như vậy, mới hy vọng giảm được số trường hợp tảo hôn, cũng như xóa bỏ được tình trạng hôn nhân cận huyết”, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong yêu cầu tại Hội nghị này.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.