Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, ngày 25/5/2012, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”. Để thực hiện Chỉ thị nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã được triển khai như, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động động quần chúng Nhân dân tham gia phòng, chống, ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương tại các địa bàn trọng điểm, khu vực giáp biên, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS dễ bị lôi kéo, dụ dỗ; quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của những Người có uy tín trong cộng đồng để làm công tác tuyên truyền, vận động…
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ lựa chọn rời khỏi làng bản, quê hương, thì nguyên nhân chính là cuộc sống gia đình quá khó khăn dẫn đến người phụ nữ bị bạo hành, ngược đãi, từ đó trở thành nạn nhân cho các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo dẫn đến việc phụ nữ bỏ đi… Chính vì vậy, việc tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập được tỉnh Lào Cai xác định, là một trong những giải pháp căn cơ, bền vững bằng việc lồng ghép các chương trình, dự án tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho chị em.
Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và du lịch” tại tỉnh Lào Cai và Sơn La được thực hiện từ nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Úc (gọi tắt là dự án Greate). Tại Lào Cai, Dự án được thực hiện tại 05 huyện là Bắc Hà, Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát và Mường Khương, với tổng nguồn vốn trên 300 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2020, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt được 35 đề xuất dự án của 36 đối tác, trong đó có 6 đề xuất dự án về du lịch, 23 đề xuất dự án về nông nghiệp, 6 đề xuất liên quan đến nông nghiệp và du lịch.
Các hoạt động của Dự án đã tác động trực tiếp, tạo thu nhập và việc làm cho khoảng 20 nghìn người hưởng lợi, trong đó trên 80% là phụ nữ và phụ nữ DTTS; số lao động nữ có việc làm mới là 845 người, 35% lãnh đạo tổ, nhóm sản xuất là phụ nữ… Như xã Bản Liền (huyện Bắc Hà), với việc hỗ trợ trồng, chăm sóc sản phẩm chè hữu cơ và du lịch cộng đồng, dự án đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm chị em phụ nữ đồng bào DTTS với thu nhập cao hơn gấp 3-4 lần so với trồng ngô, lúa…
Tương tự, tại huyện Văn Bàn, xác định nâng cao đời sống kinh tế, là lời giải bài toán phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ. Trong đó, Dự án trồng cây Gai xanh do phụ nữ làm chủ đầu tư và thực hiện tại 10 xã giai đoạn 2018-2021 đã tạo sinh kế bền vững cho hàng nghìn phụ nữ trên địa bàn. Sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang thị trường 5 nước Châu Á và Trung Đông với giá trị cao.
“Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp bằng những giải pháp tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, thời gian gần đây, tình trạng chị em phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương đã không còn. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh trật tự thôn bản…”, bà Trần Thị Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Bàn cho biết.
Nhờ triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp, công tác ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương tại Lào Cai những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2011, Lào Cai có 700 trường hợp phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, năm 2018, chỉ còn 42 trường hợp, đến hết tháng 6/2020 giảm xuống còn 16 trường hợp. Đặc biệt, một số địa bàn trong những năm gần đây, đã không còn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương như: Thành phố Lào Cai, huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn.
Theo bà Nguyền Thị Hồng Nhung, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường xây dựng các mô hình điểm. Trong đó, huy động tối đa các nguồn lực, biện pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy tối đa nội lực của phụ nữ DTTS nhằm nâng cao quyền năng, vị thế của họ trong gia đình và ngoài xã hội…