Qua thời gian nghiên cứu, nhóm đề tài do PGS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp làm Chủ nhiệm triển khai đề tài đã tổ chức trồng thí điểm mô hình cây táo mèo tại bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La).
Với số lượng thí điểm 1.000 cây, sau 3 năm (2018 - 2020), đa số cây táo mèo ở Tà Số sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Anh Mù A Lu, Trưởng bản Tà Số phấn khởi thông tin: Được sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong bản được định hướng loại cây trồng phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; được các cán bộ hướng dẫn chuyển giao công nghệ tỉ mỉ từ cắt lá, tỉa cành, bón phân... Nhờ đó, bà con từng bước bỏ thói quen canh tác cũ để áp dụng KHCN vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao.
Theo PGS.TS. Trương Vũ Bằng Giang, Phó trưởng Ban KHCN - Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư ký Chương trình Tây Bắc thì, với việc áp dụng KHCN vào trồng cây táo mèo, sau 5 năm có thể cho thu hoạch với năng suất dự kiến khoảng 600 kg/ha/năm, gấp đôi so trồng ngô. Việc áp dụng KHCN vào trồng táo mèo tạo ra chu trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, bảo đảm năng suất. Mô hình trồng táo mèo được kỳ vọng tạo việc làm cho hàng trăm người dân địa phương, hướng đến phát triển kinh tế bền vững.
Cùng với cây táo mèo tại Sơn La, mắc ca cũng là loại cây được các nhà khoa học nghiên cứu và trồng thử nghiệm tại xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) vào năm 2018. Với 2ha mắc ca trồng thí điểm, sau 3 năm đã phát triển tốt trên những vùng đất trống, đồi trọc, bạc màu. Các kỹ sư đã chuyển giao tận tay người dân giống, hỗ trợ kỹ thuật, công chăm sóc. Với khí hậu, thổ nhưỡng ở Tuần Giáo, cây mắc ca được kỳ vọng trở thành cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo chia sẻ: Sau thời gian thử nghiệm, kết quả cho thấy, cây mắc ca phù hợp với vùng đất ở Tuần Giáo. Qua đó, huyện đã phối hợp với các sở, ngành xây dựng đề án phát triển cây mắc ca và hướng dẫn tỉ mỉ về kỹ thuật, chính sách, cơ chế để hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca.
Trao đổi về tính thực tiễn của đề tài, PGS. TS Trần Văn Chứ cho biết: Với tiêu chí xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho vùng Tây Bắc, đến thời điểm này, nhóm đề tài đã ứng dụng được các loại cây giống phù hợp, tạo được chu trình khép kín từ sản xuất, tiêu thụ, bảo đảm tính bền vững. Sản phẩm dự kiến được tiêu thụ ngay tại nơi sản xuất, được thị trường chấp nhận, giúp bà con vùng Tây Bắc có đời sống tốt hơn.
Đánh giá cao tính thực tiễn và hiệu quả của Chương trình, tại Hội nghị Tổng kết Chương trình KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, khẳng định: “Được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2020, Chương trình đã cơ bản đáp ứng được các mục tiêu, với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Thời gian tới, Chương trình cần tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm KHCN có tính ứng dụng cao, thực tế, phục vụ tốt hơn phát triển sinh kế cho người dân trong vùng”.