Tự nguyện bàn giao mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công
Theo thông tin từ ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, Lạng Sơn cho biết: "Đến nay, dù UBND huyện Lộc Bình chưa thể lập, phê duyệt phương án chi trả tiền hỗ trợ, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các hộ dân trên địa bàn nhưng chỉ tính riêng trong tháng 9 đã có 31 hộ gia đình bàn giao 1,28ha đất. Lũy kế, đến nay, dù chưa có phương án bồi thường, GPMB chính thức nhưng toàn huyện Lộc Bình đã có 456 hộ gia đình bàn giao 38,2ha, đạt 77,4% (so với diện tích đất cần bồi thường, hỗ trợ) để triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp QL4B, đoạn từ Km 18 - Km 80".
Tại huyện Đình Lập, Lạng Sơn tương tự, đến nay, dù chưa được phê duyệt phương án bồi thường, GPMB khi thu hồi đất nhưng đã có hàng trăm hộ dân bàn giao 19,30ha, đạt 61,23% tổng mặt bằng thực hiện dự án trên. Điều này giúp chủ đầu tư và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện dự án cải tạo, nâng cấp QL4B, đoạn từ Km 18 - Km 80.
Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn (chủ đầu tư dự án) cho biết, đến nay dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công được 57,5ha/80,87ha (đạt 71,1%). Phần đường đã bàn giao với tổng chiều dài khoảng 37,9km/63,047km (đạt 60,11%), phần cầu bàn giao 14/14 cầu (đạt 100%) để nhà thầu tiếp cận thi công trên toàn tuyến.
Tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và Nhân dân
Được biết, dự án cải tạo, nâng cấp QL4B, đoạn từ Km 18 - Km 80 có tổng chiều dài toàn tuyến là 63,047km. Trong đó, chiều dài qua huyện Lộc Bình khoảng 22,087km, huyện Đình Lập là khoảng 41,3km.
Dự án có tổng diện tích thực hiện là 201,87ha (huyện Lộc Bình 79,2ha, huyện Đình Lập 122,67ha). Trong đó, tổng diện tích phải thu hồi, bồi thường, hỗ trợ GPMB trên tuyến chính khoảng 80,87ha, với 1.802 hộ bị ảnh hưởng.
Quá trình triển khai dự án trên đã có nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, trong đó, Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định hướng dẫn mới của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Tuy nhiên, đến nay các văn bản quy định về cơ chế, chính sách áp dụng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn áp dụng theo Luật Đất đai năm 2013 đã hết hiệu lực thi hành, chưa kịp thời ban hành các văn bản thay thế.
Điều này đã gây khó khăn trong công tác lập, niêm yết công khai, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp QL4B, đoạn từ Km 18 - Km 80.
Đặc biệt, hiện nay, do UBND tỉnh Lạng Sơn chưa phê duyệt, xác định khung giá đất mới trên địa bàn nên Hội đồng bồi thường, GPMB các huyện chưa có căn cứ để áp dụng, tính phương án bồi thường cho người dân khi thu hồi đất.
"Trước khó khăn trên, chúng tôi đã chủ động lập phương án tạm tính chi phí bồi thường GPMB cho các hộ dân theo chính sách cũ (Luật Đất đai 2013) để chi trả tiền bồi thường cho các hộ. Đồng thời, cam kết ngay khi có giá đất và quy định bồi thường GPMB mới (Luật Đất đai 2024) sẽ điều chỉnh phương án, áp dụng quy định mới cho người dân.
Phương án mới phải bảo đảm bằng hoặc cao hơn phương án tạm tính đã lập. Trường hợp bị giảm tiền bồi thường thì chính quyền và nhà thầu sẽ có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi cho người dân", ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình thông tin.
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Lộc Bình, để tạo đồng thuận, sớm triển khai dự án, Huyện ủy, UBND huyện Lộc Bình đã mở các hội nghị triển khai từ huyện đến cơ sở. Theo đó, lãnh đạo huyện trực tiếp đối thoại, giải đáp tất cả các thắc mắc, đồng thời cam kết triển khai nghiêm túc đến người dân. Tất cả vì mục tiêu dự án sớm được triển khai, hoàn thành, phục vụ tốt nhất nhu cầu lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Kiên quyết không để dự án chậm triển khai, ảnh hưởng tiến độ thi công, hoàn thành vì vướng mặt bằng.