Từ sự biến tướng “Đường sách” thành “Đường cà phê, kem, trà sữa”
Nằm tại “vị trí vàng” từ giao lộ Lê Lợi - Ba Cu đến Ba Cu - Hạ Long, bên cạnh là đường nội khu Công viên tam giác Bãi Trước, phía bên kia đường Hạ Long là biển thuộc phường 1, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, “Đường sách Vũng Tàu” kể từ khi được giới thiệu và đi vào hoạt động vào dịp Tết Nguyên Đán 2018, từng được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn văn hóa đặc sắc cho thành phố biển, đặc biệt là trong giai đoạn văn hóa đọc đang được quan tâm và tạo điều kiện phát triển.
Tuy nhiên chỉ chưa đầy một năm sau đó, do không có mô hình hoạt động nổi bật và thu hút, “...tình hình kinh doanh buôn bán sách tại các cửa hàng giảm dần, nhiều đơn vị không đủ khả năng duy trì cửa hàng sách tại Đường sách; số lượng khách tham quan, đọc và mua sách ngày càng giảm dần. Các gian sách còn lại đã dần chuyển sang mô hình bán cà phê có trưng bày sách, không tập trung theo định hướng phát triển văn hóa đọc… Đến nay, hoạt động của đường sách không còn giữ được mục đích ban đầu mà còn kinh doanh thêm các dịch vụ giải khát, cà phê…” (trích Báo cáo số 4406/BC-UBND ngày 27/6/2023 của UBND thành phố Vũng Tàu).
Theo tìm hiểu của phóng viên, Đề án thực hiện thí điểm, đường sách Vũng Tàu do Công ty Cổ phần Ngôi Sao Biển Trung tâm Sài Gòn làm chủ đầu tư, dự kiến có 11 gian hàng sách; 6 gian hàng văn hóa phẩm tổng hợp; 2 khu cà phê sách và góc đọc; 1 khu giao lưu và hoạt động cộng đồng; 1 sân khấu tổ chức các sự kiện giới thiệu sách, giao lưu với tác giả... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 2 gian hàng sách đúng nghĩa thay vào đó là tiệm cà phê, quán kem, trà sữa hay những gian hàng tô tượng...
Đặc biệt những gian hàng này, đã trưng dụng luôn 1 phần công viên để bày biện bàn ghế kinh doanh giải khát hoặc để xe cho khách, khiến Công viên tam giác Bãi Trước trở nên nhếch nhác.
Hoạt động “chui” 5 năm
Về việc này, cũng trong Báo cáo số 4406 của UBND TP. Vũng Tàu có nêu rõ: “Ngày 26/10/2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản số 10885/UBND-VP về việc cho phép thực hiện thí điểm Đường sách Vũng Tàu (24 tháng)… Quá trình tổ chức thực hiện phương án thí điểm theo chủ trương của UBND tỉnh, UBND thành phố Vũng Tàu cũng đã giao cho các cơ quan của thành phố nghiên cứu đề xuất phương án nhưng vẫn chưa thực hiện được do các vướng mắc của quy định, đặc biệt là chính sách về đất đai, quản lý tài sản công, yêu cầu đơn vị kinh doanh đường sách phải trả tiền thuê mặt bằng nên đến nay Đề án thí điểm vẫn không được phê duyệt. Vì vậy, đường sách Vũng Tàu không có tính pháp lý. Đây cũng là nguyên nhân các Nhà xuất bản trẻ, Phương Nam,… đã không hợp tác và trả lại mặt bằng bố trí các quầy sách của mình”.
Như vậy tính đến thời điểm này, Đường sách Vũng Tàu đang hoạt động “chui” đúng nghĩa! Đó là chưa kể đến việc, đơn vị kinh doanh Đường sách Vũng Tàu – cụ thể là Công ty Cổ phần Ngôi Sao Biển Trung tâm Sài Gòn vẫn chưa hề đóng một đồng nào liên quan đến nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Chính từ nguyên nhân này đã dẫn đến việc ngày 15/8/2023 Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành văn bản số 4518 /STC-QLGCS&TCDN trình UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc, chấm dứt hoạt động thí điểm Đường sách Vũng Tàu, trong nó nêu rõ ý kiến đề xuất UBND tỉnh “Giao Cục thuế tỉnh chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu và các sở, ngành có liên quan xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Công ty Cổ phần Ngôi Sao Biển Trung tâm Sài Gòn từ ngày 12/2/2018 đến thời điểm kết thúc hoạt động sử dụng đất nêu trên.”
Theo tìm hiểu riêng của phóng viên, một số chủ gian hàng đang kinh doanh tại đường sách Vũng Tàu cho biết, các gian hàng to đang kinh doanh cà phê, được Công ty Cổ phần Ngôi Sao Biển Trung tâm Sài Gòn cho thuê với giá 60 triệu đồng một tháng. Còn những gian phía trong nhỏ hơn, có giá từ 20 đến 30 triệu đồng một tháng. Mấy kiot kẹp giữa (trước là lối đi giữa các kiot với nhau, nay được tận dụng sửa chữa làm thêm) có giá thuê tầm 15 triệu đồng một tháng. Các gian cho thuê bán sách, tranh ảnh có giá thuê khoảng 12 đến 15 triệu một tháng.
Chúng tôi tính nhẩm, khoảng 16 gian hàng và kiot trên đường sách Vũng Tàu sơ sơ doanh thu từ hoạt động cho thuê cũng dao động từ 400 đến 500 triệu đồng trên một tháng. Vậy một năm doanh thu khoảng trên 4 tỉ đồng.
Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu sau khi bị chính quyền TP. Vũng Tàu yêu cầu ngưng hoạt động và trả mặt bằng, thì việc thu hồi nghĩa vụ tài chính của của Công ty Cổ phần Ngôi Sao Biển Trung tâm Sài Gòn sẽ được xử lý đến đâu theo yêu cầu của Sở Tài chính, tuy nhiên điều mà rất nhiều người dân đang thắc mắc và bức xúc, đó là:
Công ty Cổ phần Ngôi Sao Biển Trung tâm Sài Gòn sử dụng đất công “chui” 5 năm mà không hề đóng góp tiền cho ngân sách nhà nước, trong khi hàng tháng Công ty này lại kinh doanh thu về gần nửa tỷ đồng, số tiền đó có được tính là thu lợi bất chính và sẽ được xử lý thế nào?
Công ty Cổ phần Ngôi Sao Biển Trung tâm Sài Gòn không hề được chính quyền địa phương giao đất (hợp pháp), vậy tại sao Công ty này lại được quyền cho các đơn vị, cá nhân thuê lại “đất công” và thu lợi cả 5 năm nay?
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều câu hỏi liên quan đến những “khuất tất” của sự việc trên, đang được nhiều người dân, cử tri TP Vũng Tàu quan tâm, phản ánh đến phóng viên. Người dân mong chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sớm làm sáng rõ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.