Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lạng Sơn: Đề án nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma - Liệu có khả thi?

Thiên An - 11:06, 17/07/2023

Trong gần 2 năm thực hiện Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma, đến nay mới chỉ có 1 lô hàng dược liệu được nhập khẩu qua Cửa khẩu. Vậy đâu là nguyên nhân khiến việc thực hiện Đề án này không đạt hiệu quả?

Hiện quy trình kiểm nghiệm dược liệu tại Cửa khẩu Chi Ma còn kéo dài ngày, mất nhiều thời gian đi lại và chi phí cho doanh nghiệp
Hiện quy trình kiểm nghiệm dược liệu tại Cửa khẩu Chi Ma còn kéo dài ngày, mất nhiều thời gian đi lại và chi phí cho doanh nghiệp

Theo báo cáo đánh giá của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng - Lạng Sơn, hiện tại khu vực Cửa khẩu Chi Ma chưa có kho chuyên dụng để bảo quản mặt hàng dược liệu theo quy định. Nguyên nhân do chi phí đầu tư lớn, yêu cầu cao về máy móc, kỹ thuật nên doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại Cửa khẩu Chi Ma chưa mạnh dạn đầu tư.

Dược liệu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, trong quá trình kiểm nghiệm mẫu dược liệu, ngoài việc kiểm tra dược tính thì dược liệu phải bảo đảm độ ẩm, độ tươi… Vì thế, các kho bảo quản bảo đảm các tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng trong quá trình nhập khẩu dược liệu. Nhưng qua tìm hiểu của phóng viên, tại Cửa khẩu Chi Ma có 8 kho, nhưng chưa có kho nào bảo đảm đầy đủ các tiêu chí về kho bảo quản mặt hàng dược liệu.

Hiện quy trình kiểm nghiệm dược liệu tại Cửa khẩu Chi Ma còn kéo dài ngày, mất nhiều thời gian đi lại và chi phí cho doanh nghiệp. Chính điều này, khiến các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu chưa thực sự quan tâm với việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu này.

Ông Phan Thế Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Trường Xuân (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: Mỗi lần, doanh nghiệp thường nhập khẩu 20 - 30 loại dược liệu khác nhau. Nhưng khi cơ quan chuyên môn nghi ngờ về một loại dược liệu trong lô hàng đó và chỉ lấy mẫu kiểm định 1 loại, nhưng tất cả các loại khác đều phải lưu lại kho trong khu vực cửa khẩu, điều này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao, vì thời gian kiểm định kéo dài.

Về việc này, bà Đinh Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Lạng Sơn cho biết: Việc kiểm nghiệm mẫu dược liệu cần nhiều thời gian mới có kết quả. Vì thế, để có thể trả kết quả kiểm nghiệm trong ngày là không thể thực hiện.

Được biết, năm 2022, các sở, ngành liên quan, lực lượng hải quan… đã thực hiện cung cấp thông tin, hỗ trợ 23 doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về nhập khẩu một số mặt hàng như cây huyết đằng, sa nhân, đậu khấu… qua Cửa khẩu Chi Ma, nhưng qua khảo sát thực tế, nhận thấy những hạn chế về kho bãi, quy trình kiểm nghiệm… sau đó họ đều chuyển hướng sang nhập khẩu qua cửa khẩu khác.

Ông Nguyễn Bảo Ngọc - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma cho biết: Thời gian qua, đơn vị hải quan tại cửa khẩu đã triển khai nhiều giải pháp, kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của cả Việt Nam và Trung Quốc sau khi đến khu vực cửa khẩu khảo sát thực tế đều không quay lại.

Việc kiểm nghiệm mẫu dược liệu cần nhiều thời gian mới có kết quả
Việc kiểm nghiệm mẫu dược liệu cần nhiều thời gian mới có kết quả

Theo ông Liễu Anh Minh - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn: Hiện Sở Công thương chủ động phối hợp với Ban Quản lý và một số ngành liên quan tổ chức các hoạt động kết nối, gặp gỡ doanh nghiệp để nắm bắt xu hướng xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa nói chung và mặt hàng dược liệu nói riêng qua Cửa khẩu Chi Ma, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, Sở cũng đã tổ chức một số lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về XNK mặt hàng dược liệu.

Ông Hoàng Khánh Duy - Phó Trưởng Ban Quản lý cho biết: Ban và các sở, ngành liên quan hiện nay vẫn đang tập trung vận động các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại cửa khẩu đầu tư kho bảo quản; liên kết với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mặt hàng dược liệu đầu tư kho, bãi tại cửa khẩu. Song song với đó, tiếp tục gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược ở các tỉnh, thành trong nước nhằm kêu gọi doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma; ngành Y tế tỉnh đang tiếp tục đầu tư máy kiểm nghiệm dược liệu, nhằm rút ngắn thời gian kiểm nghiệm mẫu các lô hàng nhập khẩu.

Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường trao đổi, hội đàm và gửi thư cộng tác đến Chính phủ nhân dân huyện Ninh Minh (Trung Quốc), đề nghị phía bạn thực hiện đầu tư nâng cấp hạ tầng kho bãi khu vực cửa khẩu Ái Điểm (Trung Quốc); tuyên truyền quảng bá tiềm năng, thế mạnh của cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm, nhất là về những ưu thế trong hoạt động nhập khẩu dược liệu. 

Trên thực tế, các cơ quan, chức năng liên quan của tỉnh Lạng Sơn đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp với hy vọng sẽ có thêm doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, cho đến thời điểm này, việc thực hiện Đề án chưa đạt được hiệu quả như mong muốn!

Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua Cửa khẩu Chi Ma được Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực trong 2 năm, bắt đầu từ ngày 1/10/2021 - 1/10/2023. Tuy nhiên, từ khi triển khai Đề án đến nay (tính đến ngày 20/6/2023), mới chỉ có 1 lô hàng dược liệu được nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma.

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.