Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thanh Hóa: Phát triển mạnh cây dược liệu ở các huyện miền núi

Quỳnh Trâm -CTV - 04:57, 22/05/2023

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 loài cây dược liệu; trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý, chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như: Ba kích, đinh lăng, hòe, hương nhu trắng, sa nhân, huyền sâm, xuyên tâm liên, nghệ vàng, cà gai leo… Với tiềm năng, lợi thế này, Thanh Hóa đang tập trung đẩy mạnh trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng cao .

Thay vì trồng lúa, ngô, khoai, sắn như truyền thống, ông Nguyễn Đại Hải, xã Điền Trung, huyện Bá Thước được Hợp tác xã (HTX) Pù Luông đến tư vấn, hướng dẫn và chuyển đổi diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu như cà gai leo, sài đất, xạ đen, hoàn ngọc, tía tô, ngải cứu… 

Qua trồng thử nghiệm, nhận thấy cây cà gai leo cho năng suất và sản lượng cao, phù hợp với đồng đất, nên ông Hải chuyển toàn bộ diện tích vườn tạp sang trồng loại cây này.

Mô hình trồng cây dược liệu tại vùng núi Thanh Hóa
Mô hình trồng cây dược liệu tại vùng núi Thanh Hóa

Ban đầu, do chưa có kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất và sản lượng chưa cao. Nhưng những vụ tiếp sau đó, gia đình ông được HTX Pù Luông hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc…,nên thu nhập từ trồng cà gai leo mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng hoa màu trước kia.

Theo ông Hải, cây cà gai leo nếu chăm sóc tốt cho năng suất và thu nhập cao gấp 4,5 lần so với trồng các loại cây hoa màu khác. Theo tính toán 1 sào (khoảng 360 m2) cà gai leo sau khi thu hoạch phơi khô cho thu nhập từ 18 - 20 triệu đồng. Tính thu nhập bình quân hàng năm từ cây dược liệu, gia đình ông đang thu về từ 500 - 600 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương.

Trồng cây dược liệu- Hướng đi mới giúp nông dân vùng cao ở Thanh Hóa xoá đói giảm nghèo 1
Người dân ở huyện Bá Thước đã mạnh dạn đầu tư máy móc để sơ chế dược liệu

Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Pù Luông cho biết, hiện đơn vị đang trồng ở huyện Bá Thước 5 ha dược liệu; trong đó có cây chè đắng, xạ đen, cà gai, hoạt ngọc, ngải cứu và một số loại cây khác. 

"Nếu so sánh hiệu quả kinh tế, trồng cây dược liệu cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác. Theo đó, một sào lúa, ngô cho thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng, thì cùng diện tích đó trồng dược liệu cho thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng, do vậy xã viên rất phấn khởi", ông Thân cho hay.

Trồng cây dược liệu- Hướng đi mới giúp nông dân vùng cao ở Thanh Hóa xoá đói giảm nghèo 2
Việc phát triển trồng cây dược liệu còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương

Theo ông Nguyễn Ngọc Thân, hiện trên địa bàn huyện Bá Thước có 20 thành viên tham gia trồng cây dược liệu, đơn vị đã liên kết lâu dài với doanh nghiệp chuyên thu mua dược liệu thô, với sản lượng 50 tấn/năm. Nguồn cung hiện vẫn chưa đủ, do vậy, năm 2023 HTX mở rộng vùng trồng ra nhiều địa phương khác với khoảng 80 thành viên sẽ tham gia trồng cây dược liệu.

"Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực của đơn vị còn nhiều hạn chế nên mong muốn thời gian tới, các cấp chính quyền ưu tiên sớm triển khai những chính sách hỗ trợ HTX và người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao công nghệ, giống, phân bón… để tạo điều kiện giúp người dân xoá đói giảm nghèo… ", ông Thân đề xuất.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, năm 2022, toàn huyện có khoảng 14 hộ tham gia trồng cây dược liệu, với diện tích khoảng 5,5 ha. Tuy nhiên, nhận thấy, giá trị kinh tế từ những loại cây dược liệu cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống của địa phương, HTX Pù Luông đã đứng ra hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. 

Theo đó, diện tích trồng cây dược liệu được mở rộng ra nhiều địa phương. Dự kiến, năm 2023, HTX sẽ phát triển khoảng 63 ha ở 8 xã, với hàng trăm hộ tham gia trồng; trong đó, quý I/2023 đã trồng được 16 ha ở 2 xã Thiết Ống và Lũng Cao.

Trồng cây dược liệu- Hướng đi mới giúp nông dân vùng cao ở Thanh Hóa xoá đói giảm nghèo 3
Cây Ba kích được trồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, thuộc địa bàn của hai huyện Quan Hóa và Bá Thước

Để nhân rộng và phát triển cây dược liệu, huyện Quan Sơn đã quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung chất lượng cao tại khu Vũng Cộp, thuộc bản Chanh, xã Sơn Thủy, quy mô 250 ha. Đồng thời, mời doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa vào đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết. Khu Vũng Cộp có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, nhiệt độ dao động từ 18 - 25 độ C, độ cao khoảng 1.200 m so với mặt nước biển, đất đai phù hợp nên cây dược liệu trồng nơi đây cho năng suất cao, chất lượng tốt, mang lại giá trị kinh tế cao.

Sau gần 5 năm, người dân xã Sơn Thủy đã phát triển được hàng trăm ha cây dược liệu. Trong đó, một số loại dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao như: Mã tiền, hà thủ ô đạt 400 triệu đồng/ha; thổ phục linh đạt 200 triệu đồng/ha...

Trồng cây dược liệu- Hướng đi mới giúp nông dân vùng cao ở Thanh Hóa xoá đói giảm nghèo 4
Thu nhập cao từ cây dược liệu giúp đồng bào vùng cao Thanh Hóa ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống

Hiện nay, nhu cầu của thị trường về sử dụng các sản phẩm dược liệu ngày càng cao, do vậy nhiều doanh nghiệp, HTX đã tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu như: Công ty Cổ phần Đông Nam dược miền Trung đang đầu tư liên kết, hỗ trợ chi phí sản xuất và bao tiêu sản phẩm, với hơn 40 ha cây dược liệu cho người dân huyện Lang Chánh; HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn thu mua cà gai leo để sản xuất trà cà gai leo túi lọc; Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn và HTX Sản xuất nông nghiệp Vianaco thu mua sâm báo cho người dân các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Triệu Sơn…

Có thể thấy, với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu và chủ trương phát triển cây dược liệu ở Thanh Hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại các huyện miền núi. Qua đó, thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, đặc biệt là tư duy trong sản xuất của người nông dân ở vùng miền núi, từ việc chuyển đổi cây trồng có giá trị thấp sang trồng loại cây giá trị theo mô hình công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ...

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.