Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làng mới ở vùng biên Tương Dương

Việt Thắng - 12:54, 01/08/2021

Sau 8 năm ra đời, Tổng đội thanh niên xung phong Tam Hợp, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An), đã làm thay đổi cuộc sống của gần 200 gia đình đồng bào Mông ở vùng biên giới này.

Cán bộ Tổng đội TNXP Tam Hợp hướng dẫn bà con trồng lúa nước
Cán bộ Tổng đội TNXP Tam Hợp hướng dẫn bà con trồng lúa nước

Để được dân tin

Con đường nối từ QL7 vào Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) Tam Hợp gần 30km, nay đã được rải nhựa. Anh Vương Trung Úy, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Tam Hợp kể, hồi năm 2013, khi anh cùng một số anh em khác vào đây khảo sát để lập làng, đường vào rất kinh khủng. 

“30 km phải đi mất gần 3 tiếng. Ban đầu, anh em đến đây dựng lán để ở. Vắt, bọ chó, ruồi vàng nhiều vô kể. Có một số anh em đến hôm trước thì hôm sau bỏ về”, anh Úy nhớ lại.

Tổng đội TNXP Tam Hợp ra đời, với mục tiêu chuyển giao cách thức sản xuất mới cho dân bản và tham gia bảo vệ rừng, an ninh biên giới. Dù trước đó, đã có 15 năm chinh phục các vùng đất khó ở biên giới để mở làng, nhưng anh Úy nói, chưa thấy nơi nào dân nghèo và khó khăn như vùng này.

Người dân ở 2 bản Huồi Sơn và Phà Lõm đều là đồng bào Mông, cuộc sống chỉ dựa vào rừng. Người dân sống trong những căn nhà thấp lè tè, dựng tạm bợ, bên trong gần như không có tài sản gì đáng giá. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào lâm sản trong rừng, nhưng rừng nay đã cạn lâm sản do khai thác quá nhiều. 

Vùng đất này từng bị phỉ xâm nhập tận vào bản làng. Năm 2004, Trung úy biên phòng Và Bá Giải, trong một lần truy đuổi những kẻ tình nghi xâm nhập biên giới đã bị bọn phỉ phục kích bắn trả, khiến anh Giải hy sinh. Có thời điểm, dân bản nơi đây bị coi là “vùng đất của phỉ” khiến người dân càng thêm mặc cảm.

Khi Tổng đội TNXP đến dựng lán để lập làng, người dân cứ nghĩ “cán bộ” lên chiếm đất của mình. Lãnh đạo Tổng đội đã thuê xe ô tô, chở những Người có uy tín trong bản đi tham quan các làng đã lập ở huyện Kỳ Sơn, các mô hình kinh tế đã hình thành ở đó. Già làng, trưởng bản và những người đứng đầu các dòng họ, sau chuyến đi đó mới tin vào những người đến lập làng.

Cuộc sống đang đổi thay

Sau khi Tổng đội được thành lập, con đường trong bản được đổ bê tông, điện lưới được kéo về và sau đó sóng điện thoại cũng phủ đến. Tổng đội tổ chức họp dân bản, phổ biến cho dân cách làm ăn mới: trồng lúa nước giống mới 2 vụ mỗi năm, trồng chè shan tuyết, trồng chanh leo, trồng nghệ, nuôi gà đen, lợn nít... Sau đó, các đội viên đã cầm tay chỉ việc cho bà con. Một số thanh niên trong bản xin gia nhập đội viên của làng. 

“Các cán bộ Tổng đội nhiệt tình lắm, họ hướng dẫn rất dễ hiểu, dễ nhớ”, ông Vừ Chư Lồng, Trưởng bản Huồi Sơn, nói.

Đội viên Vừ Giống Hùa (bản Huồi Sơn) đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi gà
Đội viên Vừ Giống Hùa (bản Huồi Sơn) đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi gà

Năm 2015, chè shan tuyết, chanh leo, cây nghệ được đưa đến cho người dân trồng thử nghiệm. Tổng đội cấp giống, hướng dẫn cho bà con cách trồng, chăm sóc và chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm. Sau 2 năm trồng thử nghiệm, cây chè shan tuyết không phù hợp với vùng đất này, chỉ còn chanh leo và nghệ phát triển rất tốt. Chanh leo được tổng đội thu mua với giá cao, khiến người dân rất phấn khởi. 

Tuy nhiên, sau một thời gian, nhận thấy thị trường chanh leo không ổn định bằng cây nghệ, nên cây nghệ đã được lựa chọn để làm cây thoát nghèo cho bà con. Để tìm được đầu ra ổn định, lâu dài cho cây nghệ, Tổng đội TNXP đã tìm vốn đầu tư mua các thiết bị tinh chế bột nghệ. 

Năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An hỗ trợ 120 triệu đồng để Tổng đội đầu tư dây chuyền sản xuất tinh bột nghệ, tạo đầu ra cho người dân. Hệ thống sấy lạnh, chế biến bột nghệ được đầu tư và sản phẩm đã được tung ra thị trường. 3 năm gần đây, người dân ở 2 bản vùng biên này đã cung ứng mỗi năm từ 400-600 tấn nghệ củ, thu về mỗi năm trên 2 tỉ đồng, nhiều gia đình thu về 50-80 triệu đồng.

Người đi đầu bản về trồng chanh leo và cây nghệ, là ông Vừ Tồng Long, nguyên Trưởng bản Huồi Sơn. Năm ngoái, ông thu hoạch nghệ bán cho Tổng đội, thu về 80 triệu đồng. “Ta thấy trồng nghệ rất hiệu quả, không tốn phân bón, chỉ tốn công làm cỏ, đầu ra lại tốt và rất tin tưởng”, ông Long nói.

Anh Vừ Giống Hùa (bản Huồi Sơn), là một trong số 19 hộ gia đình được nhận hỗ trợ từ Tổng đội TNXP, mỗi hộ 30 triệu đồng để tách hộ, giãn dân ra dựng nhà sinh sống riêng. Khu vườn nằm bên quả đồi vốn bỏ hoang, nay cây nghệ đã phủ xanh mướt. Anh Hùa cho biết, ban đầu, khi mới ra riêng, anh trồng chanh leo, hai năm qua, anh chuyển sang trồng nghệ vì cây nghệ cho thu nhập tốt hơn nhiều.

Củ nghệ ở Tam Hợp được kiểm nghiệm có chất curcumin (chống viêm và chống oxy hóa) cao hơn so với nghệ trồng ở các nơi khác. Tuy nhiên, anh Vương Trung Úy, Tổng đội trưởng, cho biết, do mới ra thị trường, đang phải cạnh tranh với sản phẩm nghệ của các cơ sở khác trong tỉnh nên giá bán chưa tương xứng với giá trị của nó. 

“Giá nghệ thu mua của chúng tôi đang cao hơn giá thị trường, nhưng hiện chúng tôi vẫn phải tìm mọi cách đưa giá trị các sản phẩm nghệ tăng lên, từ đó mới nâng giá thu mua nghệ cho dân”, anh Úy nói.

Không chỉ cây nghệ, nghề chăn nuôi gà đen, vịt bầu, lợn bản, bò sau khi có Tổng đội đã phát triển rất tốt. Đầu ra đều được tổng đội bao tiêu. “Chúng tôi tìm thị trường ở các nhà hàng lớn ở các thị xã, TP.Vinh để tiêu thụ sản phẩm cho dân. Nhờ chất lượng thịt rất tốt, ngon nên giá bán rất tốt và đầu ra rất rộng”, anh Úy cho biết.

Ông Vừ Chư Lồng, Trưởng bản Huồi Sơn, nói trồng nghệ không tốn phân bón, ít phải chăm sóc, thu nhập tốt nên dân rất mừng. “Tổng đội đã giúp bản thay đổi nhiều lắm. Dân ta biết trồng lúa nước 2 vụ, trồng nghệ, biết cách chăn nuôi lợn, gà, bò và phòng dịch bệnh. Dân ta giờ không phải vào rừng săn thú kiếm ăn như trước nữa”, ông Lồng nói.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.