Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lần đầu tiên dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh có người trúng tuyển đại học

PV - 17:06, 20/09/2021

Những ngày qua, bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đón nhận niềm vui đặc biệt, khi lần đầu tiên bản làng có người trúng tuyển đại học.

Hồ Thị Sương là người Chứt đầu tiên của bản Rào Tre trúng tuyển đại học
Hồ Thị Sương là người Chứt đầu tiên của bản Rào Tre trúng tuyển đại học

Những ngày này, tin cô học trò ngoan hiền của bản trúng tuyển ngành Giáo dục mầm non, Khoa Sư phạm - Trường Đại học Hà Tĩnh dường như làm cho ngôi làng dưới chân núi Ka Đay rộn ràng hẳn lên. Người lớn râm ran, mừng vui kể câu chuyện cô bé nhà nghèo chăm học; trẻ con vui tươi, hớn hở và thể hiện quyết tâm học tập để được như chị.

Hồ Thị Sương (SN 2003) là chị cả trong gia đình có 4 chị em, em út của Sương năm nay học lớp 3. Ngay từ nhỏ, 4 chị em Sương đã phải chịu cảnh thiệt thòi khi thiếu vắng tình cảm của bố. Mình mẹ gồng gánh, làm thuê quanh năm để nuôi các con ăn học, nên ngôi nhà nhỏ cũng thiếu bàn tay người chăm sóc.

Trong ngôi nhà xiêu vẹo, chiếc bàn vừa là bàn ăn, vừa là bàn tiếp khách và cũng là bàn học của mấy chị em. Cũng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, người em thứ 2 của Sương đành nghỉ học từ sớm đi làm thuê phụ giúp mẹ.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình Sương xiêu vẹo, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá
Ngôi nhà nhỏ của gia đình Sương xiêu vẹo, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá

Sương kể: “Bố bỏ đi đã lâu, mẹ phải làm thuê cách nhà gần 40km nên mỗi tháng mới về nhà một lần. Em và em trai thứ 3 theo học tại Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh (đóng tại thị trấn Hương Khê) thỉnh thoảng mới về. Em út lúc nghỉ hè thì đi theo mẹ, đến khi đi học thì về nhà và được bà ngoại ở xã bên xuống trông nom”.

Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, nên Sương luôn quyết tâm phải cố gắng theo đuổi việc học để có việc làm, đổi thay cuộc sống. Quyết tâm ấy cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức của các thầy cô giáo Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh; đặc biệt là sự gần gũi, động viên, sát sao chỉ bảo của cô giáo chủ nhiệm, Sương ngày càng tiến bộ. Em tự giác học và chịu khó tìm tòi kiến thức mới. Cô bé nhút nhát ngày nào cũng tích cực tham gia các hoạt động đoàn hội, phong trào, em còn học thêm lớp karatedo.

Những ngày chờ giấy báo nhập học, Sương ở nhà cùng em trai và dạy em học
Những ngày chờ giấy báo nhập học, Sương ở nhà cùng em trai và dạy em học

Sương bộc bạch: “Cuộc sống khó khăn nên ban đầu em không dám ước mơ mình sẽ học tiếp lên đại học, chỉ nghĩ rằng sẽ học nghề gì đó. Thế nhưng, được cô giáo chủ nhiệm động viên, định hướng và trong một lần về nhà, nhìn các em nhỏ vui chơi ở bản, em thực sự khao khát trở thành cô giáo để có thể đưa những kiến thức mới, những trò chơi mới đến với các em".

Xác định được mục tiêu, Sương càng quyết tâm học tập. Niềm vui đã mỉm cười với em sau bao cố gắng, khi nhận giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Hà Tĩnh. Cô học trò của bản Rào Tre đạt 21,25 điểm khối M01 (Ngữ văn; năng khiếu đọc diễn cảm, kể chuyện; năng khiếu hát, nhạc), cộng thêm điểm ưu tiên, Sương đạt 24 điểm, trong khi điểm chuẩn nhà trường là 19.

Cô Lê Na - giáo viên chủ nhiệm như là người mẹ thứ hai của Sương
Cô Lê Na - giáo viên chủ nhiệm như là người mẹ thứ hai của Sương

Cô Trần Thị Lê Na, giáo viên chủ nhiệm của Sương, cho biết: “Sương là cô học trò rất cầu tiến, nỗ lực vượt khó. Nhìn thấy nơi em khát khao học tập, tôi luôn chia sẻ và động viên, hướng dẫn em cách học, định hướng nghề nghiệp. Để giúp em học tốt, tôi giao nhiệm vụ cho 2 bạn cùng lớp có thành tích học tập tốt lập nhóm để cùng giúp nhau. Lần thi thử đại học tại trường điểm thấp, Sương ôm lấy cô khóc. Lúc đó, tôi đã xốc lại tinh thần giúp em cố gắng. Kết quả vừa rồi hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực của em. Tôi thực sự hạnh phúc khi thấy em đang từng bước chạm đến ước mơ của mình”.

Niềm vui lớn là vậy, nhưng mấy ngày nay mẹ của Sương vẫn đi làm xa chưa thể về vui cùng con. Qua điện thoại, mẹ vui và bật khóc với kết quả của cô con gái, dặn dò Sương hãy tập trung vào việc học, mọi việc khác để mẹ lo.

Sương tâm sự: “Mẹ cứ động viên vậy, nhưng em biết khó khăn còn nhiều. Học phí được miễn, nhưng còn những khoản sinh hoạt phí khác ở thành phố, còn 2 đứa em đang ăn học... Em thương mẹ lắm! Em sẽ cố gắng hơn nữa để không phụ lòng bản làng, không phụ lòng mẹ và các thầy cô đã đặt nơi em”.

Cán bộ Tổ công tác bản Rào Tre - Đồn Biên phòng Bản Giàng và người dân trong bản đến nhà chia sẻ niềm vui với Sương
Cán bộ Tổ công tác bản Rào Tre - Đồn Biên phòng Bản Giàng và người dân trong bản đến nhà chia sẻ niềm vui với Sương

Biết tin cô học trò của bản làng trúng tuyển đại học, chính quyền địa phương đã kịp thời đến chia sẻ niềm vui cùng em Hồ Thị Sương. Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre - Đồn Biên phòng Bản Giàng, cho hay: “Gia đình chị Đinh Thị Mai (mẹ em Sương) thuộc diện đặc biệt khó khăn của bản. Một mình chị Mai làm lụng vất vả nuôi 4 người con. Chặng đường học tập sắp tới của Sương sẽ vô cùng gian nan, nên chúng tôi rất mong muốn em nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm".

Rời Rào Tre khi nắng chiều vừa tắt, hình ảnh cô bé nở miệng cười mà đôi mắt đượm buồn cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Mong sao sẽ có nhiều tấm lòng đồng cảm, sẻ chia để cùng Sương viết tiếp ước mơ vào giảng đường đại học và thắp lên niềm hy vọng tươi sáng nơi bản làng xa xôi./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.