Tốt nghiệp đại học về làm trưởng bản
Nữ Bí thư Chi bộ dân tộc Thái Lữ Thị Loan khiến tôi khâm phục, mến tin ngay từ trong lời tâm sự đầu tiên. Loan bộc bạch: "Em học ngành Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Huế, cũng đã đi dạy ở vùng đất cố đô. Nhưng vì nhớ nhà, làm việc ở nơi đô thị cũng có nhiều khó khăn nên em trở về. Tại quê nhà, em đã nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi nhưng chưa có kết quả. Trong khi đó, ở bản làng, nhiều phong trào hoạt động không có người dẫn dắt, tổ chức nên em tự nguyện tham gia".
Những ngày đầu ở quê nhà, kiến thức tích lũy được từ đại học, khả năng nói và thuyết phục mọi người bằng phương pháp sư phạm... của Loan đã khiến dân bản có cảm tình. Khi Trưởng bản đương nhiệm “muốn nghỉ nhiều hơn muốn làm”, Loan đã được cấp ủy, chính quyền địa phương chọn lựa thay thế.
Trong cuộc họp lấy ý kiến rồi bỏ phiếu, Loan đã được dân bản Hồng Tiến 2 (nay sáp nhập bản Hồng Tiến 1, Hồng Tiến 2 và một phần bản Lầu thành bản Bua) xã Châu Tiến tín nhiệm, bầu làm Trưởng bản từ đầu năm 2016, với số phiếu gần 90%. Khi ấy cô mới tròn 27 tuổi.
Loan nhớ lại: "Em không ngờ được dân bản tín nhiệm thế này đâu. Cảm giác lúc ấy vừa hồi hộp vừa run sợ. Em rất lo không hoàn thành nhiệm vụ, rồi mọi người thất vọng thôi".
Từ ngày làm cán bộ của bản, Loan bận như "có thêm con mọn". Suốt ngày, hết thăm đồng kiểm tra tình hình sản xuất, rồi đến từng nhà có hoàn cảnh khó khăn thăm hỏi, động viên. Khi rảnh, cô lại đến nhà những già làng, Người có uy tín trong bản để trao đổi công việc, lắng nghe những góp ý, trao đổi của họ.
“Em chỉ đáng tuổi con, cháu thôi. Việc luôn lắng nghe, xin ý kiến của mọi người không chỉ là sự cầu thị, mà còn là sự tôn trọng. Từ việc này, em có thể sửa ngay những thiếu sót, những vấn đề chưa hợp lý trong công việc”, Loan tâm sự.
Thời gian đầu do chưa quen, việc chuẩn bị nội dung, cách điều hành tổ chức cuộc họp, cách xưng hô hay trả lời ngay những nội dung mà dân bản “chất vấn”... đối với Loan rất vất vả, khó khăn. Nhưng lợi thế trẻ tuổi, dễ dàng tiếp cận các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại từ mạng internet, luôn cầu thị, không ngại khó đã giúp Loan gặp nhiều thuận lợi hơn trong công việc, trong việc truyền đạt các chủ trương, chính sách của cấp trên đến bà con.
“Phiên họp đầu tiên sau khi nhận nhiệm vụ, em đã phải chuẩn bị mấy ngày, vừa bàn với cấp ủy xóm, vừa hỏi ý kiến các già làng, Người có uy tín, trao đổi kỹ với các đoàn thể... Vậy mà khi đứng giữa đông người, lại hầu hết đã lớn tuổi, em rất sợ. Cũng may được bà con ủng hộ và hiểu, nên dần dần đã quen hơn”, Loan trải lòng.
Lãnh đạo xã Châu Tiến vẫn còn nhớ rành rẽ mấy năm trước, khi bản Hồng Tiến 2 chưa sát nhập, còn khó khăn đến nhường nào. Tỷ lệ phần trăm hộ nghèo lên đến hai con số, đời sống bà con khó khăn, tệ nạn xã hội vẫn còn… Nguyên chủ tịch UBND xã Châu Tiến Trần Văn Hoàng, nhớ lại: "Cách đây 5 năm, thời điểm cô Loan mới làm Trưởng bản, Hồng Tiến 2 là bản nghèo tốp đầu của xã. Việc triển khai các chủ trương, chính sách của xã xuống thôn bản gặp nhiều khó khăn…".
Từ một bản khó khăn nhiều mặt, nhưng bằng sự tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm, Loan đã cùng bà con dân bản đưa Hồng Tiến 2 tiến xa khỏi đói nghèo, lạc hậu. Điểm nhấn những tháng ngày Loan đảm nhiệm vai trò Trưởng bản là Hồng Tiến 2, đã xây dựng thành công bản nông thôn mới, đời sống kinh tế của bà con ngày một đổi thay, bản sắc văn hóa được giữ gìn, môi trường bảo đảm… Loan cũng là người tiên phong động viên bà con tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt để tích lũy kiến thức phát triển kinh tế.
Người bí thư chi bộ tận tâm
Nay, bản Hồng Tiến 2 đã sáp nhập cùng Hồng Tiến 1 và một phần của bản Lầu, thành bản Bua. Trẻ tuổi, nhiệt huyết, trách nhiệm…, Lữ Thị Loan là lựa chọn số 1 cho cương vị Bí thư Chi bộ sau sáp nhập bản.
Bản Bua hiện có 160 hộ, khoảng 900 nhân khẩu, với 100% là người dân tộc Thái. Từ một bản được coi là “đặc thù”, nhưng Hồng Tiến 2, rồi nay là bản Bua, đã đổi thay. Giờ đây cuộc sống người dân bản Bua đã khấm khá hơn trước nhiều. Chỉ tính ở tiêu chí hộ nghèo hiện còn hơn 5% cũng đã là một sự khởi sắc rất lớn.
Những năm tháng làm trưởng bản, đã cho Loan những trải nghiệm thú vị về cuộc sống: Đó là cách ứng xử, tổ chức điều hành cuộc họp, nói và diễn đạt cho người khác hiểu, cách vận động thuyết phục người khác... Và nay, khi ở cương vị Bí thư Chi bộ bản Bua, Loan đã bớt đi những bỡ ngỡ, khó khăn trong công việc hàng ngày.
Ví cán bộ thôn bản như người vác tù và hàng tổng, chẳng sai. Phụ cấp thấp, công việc nhiều; Loan còn có cả một gia đình với hai cháu nhỏ cần phải lo toan, khiến cô thêm bận bịu. Nhưng bù lại, những tháng ngày qua đã giúp Loan trưởng thành hơn, chín chắn hơn rất nhiều. Loan hào hứng: "Em cảm thấy trưởng thành hơn. Học ra trường, nếu không xin được việc, nhiều người trẻ đã bỏ đi làm thuê, như vậy rất lãng phí công sức học. Em nghĩ như vậy nên mới mạnh dạn hoạt động tại thôn bản, và thực tế đã cho mình thấy điều đó là đúng".
Tiếp xúc với người dân trong bản Bua, nhiều người đã đánh giá cô Bí thư Loan rất cao. Ông Lương Văn Phiết, người cao tuổi trong bản từng nhận xét: "Tôi thấy cô Loan rất nhiệt tình, trách nhiệm, lại được việc. Dân bản ưng cái bụng lắm!".
Trong suốt cuộc trò chuyện, Loan luôn trăn trở rằng, làm sao để phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trẻ. Và đảng viên phải tiên phong hơn nữa trong phát triển kinh tế, xây dựng bản làng no ấm. Loan chậm rãi: "Cả bản hiện có 19 đảng viên, với tuổi đời trung bình hơn 40 tuổi. Đó là thực tế lo cho bài toán trẻ hóa. Trong khi thanh niên của bản hầu hết làm ăn xa nhà, nên rất khó phát triển đảng viên trẻ".
Khi nói về Bí thư Chi bộ Lữ Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu Sầm Thanh Hoài tự hào: "Cho đến hôm nay, cô ấy là người cán bộ thôn bản gần như duy nhất có trình độ đại học. Cô ấy làm Trưởng bản từ năm 2016 và rất năng động, nhiệt tình. Đến năm 2020, Loan được bầu chọn làm Bí thư Chi bộ. Nhiệm vụ thay đổi, nhưng cô ấy vẫn giữ được những nét đáng quý của một người cán bộ thôn bản ở vùng “đặc thù”, dám làm và dám chịu trách nhiệm, lại rất được dân tín nhiệm. Giao việc cho cô Loan, chúng tôi thấy rất yên tâm".