Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Mỗi đảng viên là một ngọn cờ

PV - 17:13, 18/08/2021

“Phải chủ động tìm kiếm cơ hội thoát nghèo, làm giàu chính đáng, để không hổ danh là đảng viên sống ở nơi Bác Hồ đã từng đặt chân đến chứ...”. Lời của Bí thư Chi bộ Triệu Văn Đại, thôn Bản Khẻ, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) như thay lời của những đảng viên nơi này. Vững tin theo Đảng, theo Bác Hồ, tự tin làm giàu nơi đất quê, là cách những đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỏa sáng, để bà con noi theo.

Những đảng viên tiên phong ở Linh Phú đưa sản phẩm chè trở thành hàng hóa, được xếp hạng 3 sao OCOP. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Những đảng viên tiên phong ở Linh Phú đưa sản phẩm chè trở thành hàng hóa, được xếp hạng 3 sao OCOP. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

1. Thôn Pác Hóp, xã Linh Phú, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) có Nà Mạ vinh dự là địa điểm đầu tiên được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dừng chân nghỉ qua đêm trên đường đi công tác từ xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa đến huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn để phổ biến các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1952). Địa điểm Nà Mạ đã được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2006. Người dân Pác Hóp, giờ chỉ còn nghe những câu chuyện kể về Người qua lời của những người già, qua sách báo, qua nghe lịch sử Đảng bộ xã, nhưng với họ, Bác vẫn như dõi theo từng lời nói, việc làm của mình.

Bí thư Chi bộ Pác Hóp Hà Ngọc Thuyền bảo, cách làm hiệu quả nhất để học theo Bác là mỗi đảng viên trong chi bộ tự xây dựng một mô hình kinh tế để làm gương cho người dân học tập và làm theo. Như ông Thuyền, ông chọn việc “chinh phục” vùng đất trũng rừng thiêng núi độc để làm trang trại tổng hợp. Giờ ông đã là chủ trang trại trên 5 ha, với trên 1.000 gốc cam, 600 gốc bưởi, chanh, ổi, trồng rừng, phía dưới ông xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, lợn, và ao cá rộng 1.200 m2 nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi.

Ông Thuyền cũng là hộ đầu tiên đưa cây cam vào trồng trên đất Pác Hóp. Hơn 10 năm trước, gia đình ông đã có thu nhập từ cây cam. Thời điểm cao nhất, gia đình ông thu trên 10 tấn cam/năm. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm, hơn 400 cây cam chỉ được thu 2 - 3 vụ rồi tự chết. Ông học lại toàn bộ, từ cách chọn cây giống đến cách chăm sóc. Giờ thì trang trại của gia đình ông đã có giá trị bạc tỷ.

Cây chè ở Linh Phú được người Dao, người Tày, người Pà Thẻn trồng từ cách đây non nửa thế kỷ. Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Hóp Tái Ngọc Phẩm bảo, trước đây không ai nghĩ mình có thu nhập từ chè đâu. Nhà nào cũng tự trồng tự sao rồi... tự tiêu thụ luôn. Nhưng đến cuối năm 2019, 2020 người dân mới thực sự có thu nhập từ chè. Những đảng viên tiên phong trồng, chăm sóc cây chè đến giờ đã được thu “trái ngọt”. Khuổi Hóp có hơn 8 ha chè của 15 hộ gia đình, thì có 5 hộ gia đình là đảng viên. Như đảng viên Tái Văn Mùi, Dương Văn Nguyện, Lương Văn Nghĩa, Tái Đức Nhâm, Tái Văn Đại.

Hợp tác xã (HTX) Chè Pà Thẻn Linh Phú thành lập tháng 3/2021, cũng chủ yếu là các đảng viên tiên phong. Như ông Lương Văn Nghĩa, Đặng Văn Thọ, Ma Văn Điểm, Hứa Thị Soạn, Tái Văn Cát. Giám đốc HTX Triệu Văn Tiềm phấn khởi, năm 2020, khi tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, sản phẩm chè ở Linh Phú đã được xếp hạng 3 sao... Đảng viên làm trước, rồi quần chúng học theo, giờ HTX Chè Pà Thẻn Linh Phú đã có vùng nguyên liệu 23 ha ở các thôn Khuổi Hóp, Nà Luông, Pác Hóp. Mỗi kg chè thường của HTX được bán ra thị trường với giá 200 nghìn đồng/kg, loại cao cấp thì lên đến vài triệu đồng.

Mô hình nuôi ốc bươu đen của đảng viên Triệu Văn Hoa (bên phải ảnh) trở thành điểm tham quan, học tập của người dân thôn Bản Khẻ . (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Mô hình nuôi ốc bươu đen của đảng viên Triệu Văn Hoa (bên phải ảnh) trở thành điểm tham quan, học tập của người dân thôn Bản Khẻ . (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

2. Vùng đất Trung Minh, huyện Yên Sơn bốn bề núi rừng bao phủ. Xã chủ yếu là đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là đồng bào Dao, đồng bào Mông, còn lại là các dân tộc Pà Thẻn, Tày, Nùng. Người dân xã Trung Minh luôn tự hào, bởi trên địa bàn xã hiện có 2 di tích lịch sử là các địa điểm Bác Hồ đã dừng chân. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Minh Lý Thu Hằng chia sẻ, niềm tự hào này ngấm vào từng con người Trung Minh, để họ vươn lên, đổi thay cuộc sống mỗi ngày. Cả xã có 98 đảng viên nông thôn. Trong đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có 37 đảng viên đăng ký việc làm theo là phát triển kinh tế hộ gia đình.

Từ phong trào này, ở Trung Minh đã hình thành nhiều mô hình như nuôi ong lấy mật, chăn nuôi trâu, lợn, ốc, mô hình trồng rừng. Những trang trại kinh tế tổng hợp đầu tiên cũng do chính những đảng viên người dân tộc thiểu số làm chủ. Như trang trại tổng hợp nuôi gà thả đồi, trồng cam, chanh tứ thì của đảng viên Lý Văn Hiệp; trang trại chăn nuôi cá kết hợp trồng rừng của đảng viên Triệu Thị Toan, thôn Khuôn Nà...

Đảng viên Triệu Văn Hoa là một trong những đảng viên tiên phong phát triển kinh tế ở Bản Khẻ. Ông Hoa được ví như người “khơi” ra những cách làm mới nơi núi rừng này. Cách đây dăm bảy năm, trong một lần đi thăm con suối chảy từ Chiêm Hóa về, thấy những con ốc bươu đen sống bám đá, ông nhặt về thả ao nuôi thử. Hợp đất, hợp nước, ốc sinh sống phát triển tốt. Từ ao đầu tiên, ông nhân ra 3 - 4 ao nuôi thành thương phẩm, nuôi lấy trứng bán. Ông Hoa bảo, những ngày đầu, ông thi thoảng nhặt ốc thịt bán tại chợ phiên, nhưng 2 - 3 năm trở lại đây, ốc bươu đen đang trở thành lựa chọn của người dân quanh vùng, ông chuyển sang nuôi lấy trứng.

Từ mô hình của đảng viên Triệu Văn Hoa, nhiều người quanh vùng cũng học theo. Giờ ở Bản Khẻ, đã có nhiều hộ học cách nuôi ốc bươu đen, như anh Triệu Văn Minh, Triệu Văn Cầu, Chu Văn Hoàn, Triệu Văn Xuân, Lý Tiến Sơn, Triệu Văn Thiện, Bàn Sinh Lương... Bí thư Chi bộ Bản Khẻ Triệu Văn Đại bảo, giờ người dân trong thôn đang mở rộng quy mô nuôi ốc bươu đen lấy trứng, nhưng về lâu dài, sẽ hình thành mô hình nuôi ốc thương phẩm để tạo thành vùng hàng hóa cho quê mình.

Không chỉ nuôi ốc bươu đen, đảng viên Triệu Văn Hoa cũng là người mát tay trong chăn nuôi lợn, trồng rừng. 10 ha rừng của gia đình ông Hoa giờ đã 6 - 7 năm tuổi. Ông bảo, trước đây mình hay bán gỗ non, nhưng giờ được cán bộ xã vận động, mình biết cách trồng thành rừng gỗ lớn rồi, cứ phải để đến 8 - 9 năm tuổi mới bán, như thế tiền thu về mới được nhiều, giá cũng được cao hơn...

Câu chuyện trồng rừng, giữ rừng là niềm tự hào ở Trung Minh lâu nay. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Lý Thu Hằng tự hào, Trung Minh có hơn 1.000 ha rừng trồng, gần 4.000 ha rừng tự nhiên, đây cũng là xã có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nhì huyện Yên Sơn.

Vừa rồi, ở Trung Minh đã hình thành một tổ quản lý cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích gần 115 ha của 11 hộ gia đình. Ở đất này, gần như hộ gia đình nào cũng có rừng, ít 4 - 5 ha, nhiều cũng đến cả chục ha. Bí thư Chi bộ Bản Khẻ Triệu Văn Đại khoe, mình cũng chỉ có tầm chục ha rừng trồng thôi. Nhà không có nhiều lao động, nên mỗi năm trồng được một ít. Thành ra, rừng được thu liên tục, năm nào cũng có vài ha rừng cho khai thác.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, lời dạy ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm vào từng đảng viên nông thôn. Họ mạnh dạn, dám thử nghiệm, dám ngã, nhưng vẫn vững vàng như những cột cờ vươn mình trong gió ngàn./.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.