Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm sao giữ được nghệ thuật rối cạn của dân tộc Tày?

Thiên Đức - 17:08, 23/08/2021

Suốt một thời gian dài, múa rối cạn của người Tày huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên vắng bóng trong đời sống của cộng đồng. Phải đến năm 2012, loại hình nghệ thuật này mới được khôi phục. Tiếc rằng, khi rối cạn mới hồi sinh lại đối mặt với nguy cơ mai một…


Nghệ nhân tập luyện điều khiển con rối tại phường rối Thẩm Rộc
Nghệ nhân tập luyện điều khiển con rối tại phường rối Thẩm Rộc

Bước đầu hồi sinh

Ông Ma Quang Nhanh, Trưởng tộc dòng họ Ma thôn Thẩm Rộc cho biết, lịch sử rối cạn nơi đây có khoảng 200 năm về trước. Từ khi già làng Ma Công Bằng, ông tổ 9 đời của dòng họ Ma mang con rối về. Múa rối cạn một thời đã có chỗ đứng quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào Tày. Phường rối cạn đi nhiều nơi để biểu diễn và ở đâu họ cũng được chào đón nồng nhiệt.

Nghệ thuật rối cạn của người Tày độc đáo là vậy, thế nhưng suốt một thời gian dài do nhiều biến động, loại hình này gần như vắng bóng. Phải đến năm 2012, múa rối cạn mới được phục hồi.

Là người trực tiếp thực hiện công tác khôi phục múa rối cạn, ông Nguyễn Văn Thụy, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Định Hóa cho biết, múa rối cạn là loại hình văn hóa đặc sắc của người Tày 2 xóm Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh và xóm Thẩm Rộc, xã Bình Yên. Tuy nhiên, trước đây vì nhiều lý do nên loại hình nghệ thuật này gần như biến mất.

Đến năm 2011, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Định Hóa thực hiện đề án về "Tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa" giai đoạn 2011-2015, Phòng Văn hóa huyện đã kết hợp với nhân dân Ru Nghệ và Thẩm Rộc nghiên cứu và phục hồi nghệ thuật đặc sắc này. Qua một thời gian phường rối đã tổ chức các buổi tập luyện, khán giả đến chật cả nhà văn hóa thôn. Từ đó, phường rối thường xuyên biểu diễn, được nhân dân đón nhận nồng nhiệt.

Ghi nhận giá trị của loại hình rối cạn ở Thẩm Rộc, xã Bình Yên và Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận đây này là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau khi được công nhận rối cạn của người Tày thường xuyên được biểu diễn trong cộng đồng. Không những vậy, các nghệ nhân của phường rối còn từng đi biểu diễn ở khắp nơi như phố đi bộ Hà Nội, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây… Ngành Văn hóa cũng tích cực nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa này thông qua việc mở lớp truyền dạy trong câu lạc bộ, trong trường học, hỗ trợ nghệ nhân…

Các nghệ nhân đang sắp xếp “sân khấu” rối cạn
Các nghệ nhân đang sắp xếp “sân khấu” rối cạn

Nguy cơ mai một…

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực phục hồi, song trong giai đoạn hiện nay, múa rối cạn của người Tày - Định Hóa lại đối mặt nhiều thách thức bị mai một. Bà Trần Thị Nhiên, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, phải mất rất nhiều thời gian, công sức những người làm công tác văn hóa tỉnh Thái Nguyên mới phục dựng được rối cạn của người Tày Định Hóa. Tuy nhiên, hiện nay loại hình này lại phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Khó khăn đầu tiên phải tính đến đó là nghệ thuật rối cạn từ bao đời nay lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối. Người dân cho rằng, con rối là hình tượng rất linh thiêng, cho nên khi người chết đi thường mang theo vì sợ ma hát (ma bắt); do đó những người ngoài phường, ngoài dòng họ dù muốn cũng không dám học. Bên cạnh đó, những nghệ nhân tài hoa, tâm huyết đã cao tuổi, trong khi lớp trẻ không có điều kiện hoặc không mặn mà với rối.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên hơn 2 năm qua, các phường rối gần như không thể tập luyện hay biểu diễn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý các nghệ nhân cũng như cộng đồng.

Trong công tác hỗ trợ nghệ nhân cũng vấp phải khó khăn. Ví dụ, tại phường rối thôn Thẩm Rộc có nghệ nhân Ma Quang Chóng rất tâm huyết với nghề, bản thân ông lại không có nghề gì khác nên không có thu nhập. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên rất mong muốn đề xuất cho ông Ma Quang Chóng hưởng hỗ trợ theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ để ông yên tâm hơn với rối cạn. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 109 lại ràng buộc tính mức thu nhập cho cả gia đình nên ông Chóng không đủ điều kiện thụ hưởng chính sách.

Để nghệ thuật rối cạn của dân tộc Tày tiếp tục được duy trì và phát triển, bên cạnh nỗ lực của những nghệ nhân, những người tiếp nối trong dòng họ và ngành văn hóa địa phương, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng và những người tâm huyết, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc. Nhất là chính quyền cần có sự quan tâm để làm sao nghệ nhân vẫn giữ được lửa nghề tiếp tục biểu diễn./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.