Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lâm Hà (Lâm Đồng): Chương trình 135 góp phần làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS

Đinh Hiển – Ánh Dương - 17:20, 07/04/2021

Sau 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo tiền để cho các xã trên địa bàn Lâm Hà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS trên địa bàn. Nhờ đó, 100% xã, thị trấn trên địa huyện hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.

Việc hỗ trợ vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại thu nhập cao cho bà con đồng bào DTTS tại Lâm Hà
Việc hỗ trợ vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại thu nhập cao cho bà con đồng bào DTTS tại Lâm Hà

100% thôn, xã hoàn thành chương trình

Ông Đinh Đức Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân, Chương trình 135 triển khai trên địa bàn huyện Lâm Hà đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ việc phân bổ, hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, lưới điện, trường học, trạm y tế, thông tin liên lạc... Tất cả đều được đầu tư đồng bộ cho các thôn, các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

Với những thành tích tiêu biểu xuất sắc trong quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình 135, huyện Lâm Hà đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen giai đoạn 2016 – 2020, cùng với đó là nhiều giấy khen, Cờ Thi đua của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, vốn ngân sách Nhà nước phân bổ cho huyện Lâm Hà là 25.108 triệu đồng, Nhân dân đóng góp 7.954 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, huyện đã đầu tư 60 công trình đường giao thông nông thôn và 5 nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã duy tu, sửa chữa 5 công trình đường giao thông nông thôn với tổng vốn là 1.506 triệu đồng.

Để nguồn vốn Chương trình 135 được sử dụng minh bạch, đúng mục đích và hiệu quả, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cấp chính quyền cùng vào cuộc. UBND huyện phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư công trình. Các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản và hỗ trợ sản xuất đều có sự tham gia bàn bạc, góp ý, giám sát của người dân. Đồng thời, thành lập các đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vướng mắc phát sinh.

Nâng cao đời sống cho vùng sâu, vùng xa

Cũng từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện Lâm Hà đã tăng cường, ưu tiên hỗ trợ sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

Minh chứng như thôn Phi Tô,  thôn có 181 hộ, trên 800 nhân khẩu, với 99% người dân là đồng bào DTTS, và là thôn khó khăn nhất của xã Tân Thanh, cũng như của huyện. Phần lớn, người dân vẫn dựa vào trồng cà phê để phát triển kinh tế. 

Để giúp bà con vùng đồng bào DTTS cải thiện, nâng cao đời sống, từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện đã đầu tư giao thông nông thôn, xây dựng và bê tông hóa 2 km đường liên thôn, hỗ trợ xây dựng hoàn thành các công trình nước sạch, vệ sinh...

Thi công xây dựng đường bê tông từ vốn chương trình 135
Thi công xây dựng đường bê tông từ vốn chương trình 135

Ông K’Lành, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phi Tô, hồ hởi: “Từ ngày được Nhà nước đầu tư xây dựng con đường liên thôn này, bà con phấn khởi lắm, việc đi lại, buôn bán, học hành... đều thuận lợi, không còn lo trơn trượt, lầy lội như trước kia”.

Theo ông K’Lành, hộ nghèo, cận nghèo của thôn còn được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, nhằm thay đổi cách làm cũ... Nhờ vậy, mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân của thôn là 30 triệu đồng/người/năm.

Ông Tô Vũ Ất, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Lâm Hà cho biết: Huyện Lâm Hà có 14 xã và 2 thị trấn, với tổng số dân khoảng 36.458 hộ và 141.678 nhân khẩu. Trong đó, có 30 dân tộc anh em sinh sống thuận hòa như: K’Ho, Mạ, Mơ Nông, Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Chăm… Các DTTS sống phân bố ở  57 thôn/12 xã, thị trấn của huyện.

Theo thống kê, năm 2016, toàn huyện có 2.417 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,61%; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS là 1.153 hộ, chiếm 17,12%. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện có 882 hộ, chiếm tỷ lệ 2,28%; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS là 408 hộ, chiếm tỷ lệ 5,85%.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.