Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm giàu và tạo việc làm cho đồng bào dân tộc Chơ Ro

PV - 15:26, 10/03/2022

Đóng chân trên địa bàn xã Bàu Trâm, TP. Long Khánh (Đồng Nai), là nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc Chơ Ro, Công ty TNHH MTV Liên Khanh do anh Nguyễn Công Thụy làm chủ đã góp phần tạo việc làm cho người lao động địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Anh Nguyễn Công Thụy (giữa) kiểm tra gỗ nguyên liệu thành phẩm trước khi xuất xưởng
Anh Nguyễn Công Thụy (giữa) kiểm tra gỗ nguyên liệu thành phẩm trước khi xuất xưởng

Tạo việc làm cho người dân địa phương

Gần 15 năm theo ngành gỗ và cung ứng gỗ nguyên liệu cho các doanh nghiệp (DN), nhiều phen chìm nổi cùng với sự thăng trầm của kinh tế, anh Thụy cho biết cái nghiệp đã gắn bó với mình đã lâu, dù khó khăn cũng phải bươn chải để giữ và phát huy thành quả của mình và không để người lao động mất việc làm, nhất là quãng thời gian xảy ra dịch bệnh.

Thành lập từ năm 2010, Công ty TNHH MTV Liên Khanh là DN chuyên sản xuất chế biến phôi gỗ từ cây lâu năm như: Cây cao su, điều, tràm… đến nay Công ty đã phát triển và duy trì sản xuất có quy mô khá lớn. Lúc thành lập, Công ty chỉ có 20 lao động, sau gần 15 năm hoạt động Công ty hiện có 200 lao động làm việc ổn định. Ngoài ra, Công ty còn tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ. Lao động của Công ty chủ yếu là người địa phương, trong đó có 40% lao động là người dân tộc Chơ Ro.

Thời gian đầu mới hoạt động, Công ty chủ yếu mua lại nguyên liệu gỗ về cưa xẻ, lấy phôi. Sản phẩm làm ra có giá thành cao, nhưng lợi nhuận mang về không cao. Phát triển dần dần, xây dựng thương hiệu DN và có uy tín với khách hàng, Công ty được khách hàng giới thiệu, thông tin về các nông trường cao su, các vườn điều, tràm đến độ tuổi khai thác gỗ trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, Công ty trực tiếp mua lại và khai thác, nên giảm được chi phí sản xuất và có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất, phát triển ngày một quy mô hơn.

Anh Nguyễn Công Thụy, Giám đốc Công ty cho biết, để được thành quả hôm nay là sự phấn đấu nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân anh và tập thể lao động của Công ty. Với vai trò là người chủ DN, đứng đầu mọi quyết định của hoạt động sản xuất, bản thân anh luôn nghiên cứu nhu cầu thị trường, thị hiếu của khách hàng để hoạch định kế hoạch sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm.

Một trong những điều tâm niệm của anh Thụy khi mở xưởng sản xuất ở quê hương chính là việc tạo việc làm cho người lao động. Bàu Trâm khi xưa cuộc sống người dân rất khó khăn, là người sinh ra và lớn lên tại địa phương, anh hiểu được những khó khăn về cuộc sống của nhiều người dân nơi đây bởi kinh tế từng nhà chủ yếu phụ thuộc vào việc sản xuất nông nghiệp, do đó mong muốn người lao động có việc làm và mức thu nhập ổn định luôn luôn hiện hữu.

Khi mở xưởng sản xuất, anh Thụy xác định “đặt lợi ích tập thể ngang cùng lợi ích của nhân công, lợi nhuận công ty cao thì mức lương nhân công cùng tăng tương ứng”. Nhờ vậy trong vai trò của người trực tiếp sản xuất, nhân công của Công ty luôn làm việc với tâm thế hăng say, nhiệt tình và có trách nhiệm. Chữ tín luôn là phương châm xuyên suốt của Công ty, nhờ đó sản phẩm của Công ty xuất kho bảo đảm chất lượng, ngày càng được khách hàng là những DN chế biến gỗ dân dụng có quy mô lớn tin tưởng, đặt hàng ổn định.

“Mục tiêu tương lai của chúng tôi vẫn là bám sát thị trường để mở rộng, phát triển công ty. Cùng với nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì bằng mọi cách phải giữ được việc làm cho người lao động trong thời buổi khó khăn này. Đặc biệt là với các lao động địa phương đã gắn bó nhiều năm cùng công ty, qua những thăng trầm thì chúng tôi càng cần phải có trách nhiệm”, anh Thụy cho biết thêm.

Cũng theo anh Thụy, Bàu Trâm là một trong những xã thuộc khu vực 1 vùng DTTS của tỉnh Đồng Nai được hưởng chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. Dù Công ty Liên Khanh đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động là đồng bào DTTS nhưng vẫn còn rất nhiều người có nhu cầu việc làm, do vậy Nhà nước, chính quyền địa phương cần tạo thêm điều kiện để Liên Khanh cũng như các DN trên địa bàn ngày càng phát triển, thu hút thêm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.

Công nhân lao động trong giờ sản xuất
Công nhân lao động trong giờ sản xuất

Đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư máy móc công nghệ

Để tạo việc làm ổn định cho người lao động và tận dụng hết những nguyên liệu, phụ phẩm thừa ra trong quá trình cưa xẻ, anh Thụy tìm cách đa dạng hóa các sản phẩm của mình.

Thông thường, phụ phẩm trong cưa xẻ, chế biến gỗ nguyên liệu trước đây thường chỉ bán cho thương lái thu mua làm chất đốt nhưng như vậy sẽ rất lãng phí trong khi có thể tận dụng được. Chính vì vậy, anh Thụy đẩy mạnh việc làm dăm gỗ để sản xuất ván ép cung ứng cho các DN cũng như chế biến, đóng gói thành chất đốt thành phẩm. Bên cạnh đó, Long Khánh, Thống Nhất… là những địa phương có nghề trồng nấm phát triển của Đồng Nai, nhu cầu về đất, mùn cho trồng nấm là rất lớn, người dân thường phải đi mua nhiều nơi, trong đó lên cả Bình Dương, khu vực sản xuất gỗ lớn để nhập về với giá cao hơn vì chịu chi phí vận chuyển.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai phối hợp Phòng Kinh tế TP. Long Khánh hướng dẫn công ty thực hiện hồ sơ và lập đề án khuyến công địa phương về hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến gỗ. Theo đó, Công ty được kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 450 triệu đồng bổ sung vào nguồn vốn phát triển hệ thống máy móc nhà xưởng của mình.

Nắm bắt nhu cầu đó, Liên Khanh cũng đã mở thêm dây chuyền chế biến mùn cưa, bột gỗ để phục vụ người dân trong vùng. “Đa dạng hóa sản phẩm ngoài gỗ thanh cho chế tạo đồ nội thất sẽ giúp công ty tiết kiệm được chi phí, đồng thời không lãng phí nguồn phụ phẩm dư thừa. Đây cũng là giải pháp để tạo thêm việc làm cho lao động những khi đơn hàng từ các DN không nhiều”, anh Thụy cho hay.

Cùng với việc gia tăng sản lượng sản xuất, đa dạng hóa mặt hàng và mở rộng đối tác thì vấn đề đầu tư công nghệ cưa xẻ, sấy gỗ cũng rất quan trọng. Số lượng máy móc ban đầu khi khởi nghiệp anh Thụy chỉ có 2 máy cưa mâm CD, phôi gỗ công ty phải đem đi sấy gia công bên ngoài làm bị động tiến độ, số lượng sản phẩm. Hiện nay công ty có đến 12 máy cưa và đầu tư hệ thống, máy móc, máy sấy phôi gỗ công nghệ tiên tiến, công suất lớn giúp công ty luôn kiểm soát được chất lượng, đáp ứng được số lượng theo yêu cầu của khách hàng.

Theo anh Thụy, tuy mức hỗ trợ từ Nhà nước không lớn, nhưng là sự động viên, khuyến khích đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm từ địa phương để thúc đẩy công nghiệp nông thôn trên địa bàn ngày một phát triển. Cùng với sự hỗ trợ về kinh phí đầu tư máy móc thì gỗ Liên Khanh còn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn về kỹ thuật, sản xuất an toàn từ chương trình khuyến công của tỉnh, đây là động lực để DN tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn./.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.