Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Phát triển vùng đồng bào DTTS: Bài toán khó mang tên “Việc làm”

PV - 14:16, 31/10/2018

Thiếu việc làm vì không có đất canh tác, thất nghiệp sau khi ra trường vì không tìm được việc làm,... Nhiều lao động DTTS đã tìm kế sinh nhai ở những địa phương khác. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng di cư tự phát với nhiều hệ lụy đi kèm rất khó ngăn chặn.

Bài 2: Thất nghiệp thì… di cư!

“Đất hứa” không như mơ!

Con đường đất đỏ bụi mù dẫn chúng tôi đến xã Cư Kbang, huyện Ea Súp (Đăk Lăk). Những nếp nhà ván bé tẹo hiện lên cuối con đường, những bộ quần áo nhiều màu sắc vắt lên cây sào tạm bợ.

Trong căn nhà xập xệ của gia đình Nông Văn Thành, bữa ăn trưa đã được dọn sẵn, một con cá trích kho mặn, chén muối ớt to nằm giữa mâm là bữa cơm thịnh soạn cho cả gia đình 7 người. Thành sinh năm 1997, lấy vợ từ năm 2015, cười xòa: “Vợ chồng em ở chung với bố mẹ và các anh, chị em. Học hết lớp 3 em nghỉ ở nhà đi làm rồi lấy vợ. Cả gia đình có 1ha lúa, đến mùa đi làm, hết mùa thì chơi hoặc ai thuê gì làm nấy”.

Một góc của buôn Mông, xã Ea Kiết. Một góc của buôn Mông, xã Ea Kiết.

 

Vợ Nông Văn Thành-Sùng Thị Chậu nhỏ hơn chồng 1 tuổi bẽn lẽn, nói tiếng Kinh chưa sõi, kể: “Em học hết lớp 5 rồi nghỉ, ở nhà theo mẹ đi hái măng, trồng ngô, trồng sắn kiếm ăn qua ngày. Năm 2015 vào thăm bà con gặp anh Thành, quen vài tháng rồi lấy nhau”.

Theo thống kê của UBND xã Cư Kbang, toàn xã có trên 2.000 hộ dân, gần 100% là đồng bào DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Đây cũng là tình trạng chung của huyện Ea Súp. Tính từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn có 844 hộ với 4.481 khẩu của nhiều tỉnh trong cả nước di cư ngoài kế hoạch đến sinh sống ở các xã vùng sâu của huyện.

Còn tính chung cả tỉnh Đăk Lăk, từ năm 1976 đến tháng 7/2018, toàn tỉnh có 59.702 hộ với 290.679 khẩu của 60 tỉnh, thành phố trong cả nước di cư đến các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Trong đó có 18.961 hộ, 99.957 khẩu là người DTTS, chủ yếu dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao.

Một thực tế là, các hộ di cư vào Đăk Lăk đang đối diện với cuộc sống rất thiếu thốn. Như chia sẻ của ông Nông Văn Lùng (44 tuổi), ở buôn Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, gia đình di cư từ tỉnh Cao Bằng vào đây đã nhiều mùa rẫy, có 5 đứa con, đất bạc màu nên bữa đói nhiều hơn bữa no. Hết vụ mùa, lên rừng bẫy chim, hái măng kiếm sống, đi bắt cá ở suối mang ra chợ đổi gạo về ăn.

Gia cảnh nghèo của gia đình Nông Văn Lùng cũng giống với nhiều hộ khác ở trong buôn. Theo ông Hoàng Chứ Páo, Trưởng buôn Mông, buôn có gần 200 hộ, 100% đồng bào DTTS phía Bắc di cư vào sinh sống từ năm 1999. Đông con, sản xuất chủ yếu nông, lâm nghiệp nhưng đất ít nên hơn một nửa gia đình trong buôn Mông thuộc diện hộ nghèo.

Dở dang việc học

Buôn Drai, xã Ea Na (Krông Ana, Đăk Lăk) có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp; cuộc sống còn nghèo khó, đa số bà con không biết chữ. Trong khi đó, buôn có một số người đã có bằng trung cấp, cao đẳng, thậm chí cả bằng đại học nhưng cũng đều lâm vào cảnh thất nghiệp.

Thiếu việc làm gia đình ông Nông Văn Lùng ở buôn Mông rơi vào cảnh nghèo khó. Thiếu việc làm gia đình ông Nông Văn Lùng ở buôn Mông rơi vào cảnh nghèo khó.

Gia đình bà H’Rú (50 tuổi) có 5 người con, 2 đứa con gái lớn học trung cấp mầm non ra trường không xin được việc giờ về nhà đi làm rẫy. Nhưng cả gia đình trông chờ vào 5 sào cà phê, hằng ngày hai vợ chồng phải đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy để có tiền trang trải.

Ngay cả chị H’Bay Hđơk (sinh năm 1989)-Bí thư Chi bộ buôn Drai, đã tốt nghiệp chuyên ngành Bảo vệ thực vật (Trường Đại học Tây Nguyên) nhưng ra trường cũng chưa xin được việc. Chị về nhà phụ giúp công việc nương rẫy cho gia đình và mở dịch vụ xay xát phục vụ bà con trong buôn Drai, xã Ea Na. Do năng nổ, nhiệt tình trong công việc cộng đồng, xã hội, năm 2016, chị được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn.

Nhưng, được cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học như H’Bay Hđơk hay bằng trung cấp mầm non như 2 con gái của bà H’Rú cũng là một việc may mắn; vì dù chưa có việc làm nhưng cũng đã đi trọn con đường học hành. Trong khi đó, ở nhiều địa phương của tỉnh Đăk Lăk, không ít trẻ em độ tuổi từ 13-16 đã bỏ dở chuyện học hành để tham gia vào thị trường lao động. Một trong những cách tìm sinh kế cho bản thân của nhiều lao động trong độ tuổi này là… di cư vào các thành phố lớn phía Nam.

Gia đình anh Sùng Mí Sinh, ở thôn Ea Uôl, xã CưPui (huyện Krông Bông) chỉ có vài sào đất rẫy, mọi chi phí phải trông vào tiền đi làm thuê của anh. Khi có người đến thôn tìm lao động đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, anh đã cho đứa con gái lớn là Sùng Thị Mỵ (sinh năm 2004) nghỉ học để đi làm.

Cũng như gia đình anh Sinh, rất nhiều lao động trẻ ở Đăk Lăk đã di cư vào phía Nam để tìm việc, trong đó có nhiều em đang là học sinh. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Lăk, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 200 trẻ em trong độ tưởi 13-16 bỏ học đi lao động tại các tỉnh, thành ở phía Nam; hầu hết là con em đồng bào DTTS hộ nghèo, cận nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Thực tế, không chỉ riêng Đăk Lăk mà ở nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS, do thiếu đất canh tác nên tình trạng di cư tìm “miền đất hứa” đã và đang diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn những hệ lụy rất lớn về mặt xã hội. Để giải quyết việc làm cho lao động DTTS, một trong những giải pháp được kỳ vọng là đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, số lao động người DTTS được đi làm việc ở nước ngoài theo đường “chính ngạch” chỉ đếm trên đầu ngón tay; trong khi tình trạng xuất khẩu lao động “chui” lại có xu hướng gia tăng, với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

ĐỖ QUYÊN