Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm du lịch để quảng bá văn hóa dân tộc

Duy Ly - 11:09, 08/04/2021

Gặp Nông Mi Sa, cô gái dân tộc Tày vào một buổi chiều cuối tháng ba. Ấn tượng đầu tiên với tôi là sự tươi trẻ, nhiệt huyết và niềm đam mê làm du lịch của Sa. Cô thổ lộ về mong muốn xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa Tày trên chính mảnh đất quê hương

Nông Mi Sa, cô gái với khát khao quảng bá văn hóa Tày bằng mô hình du lịch trải nghiệm
Nông Mi Sa, cô gái với khát khao quảng bá văn hóa Tày bằng mô hình du lịch trải nghiệm

Từ đam mê khám phá...

Nông Mi Sa sinh năm 1984, lớn lên tại xã Trùng Khánh, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang (vùng đất này nay đã trở thành vùng lòng hồ của Thuỷ điện Tuyên Quang). Trùng Khánh trước đây vốn là xã nghèo của huyện Na Hang. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng Sa vẫn cố gắng đi học để mong muốn, có được tri thức và hơn nữa là để thực hiện ước mơ làm du lịch của mình. Vì thế, từ năm 2004 đến 2008, cô đã đi học tại Trường Đại học Vân Nam (Trung Quốc), chuyên ngành Hán ngữ, để trang bị cho mình có một vốn ngoại ngữ giao tiếp chắc chắn. Tốt nghiệp về nước, sau những năm lăn lộn kiếm sống và để tìm hiểu thị trường, năm 2018, cô đã mạnh dạn đứng ra thành lập Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Châu Sa, có trụ sở tại Hà Nội.

Vừa làm quản lý, vừa kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch và điều phối Tour nên Sa càng có thêm nhiều cơ hội đi du lịch. Nông Mi Sa cho biết: “Với ham muốn được khám phá, mình đã được đi đến 62 tỉnh thành trong nước. Hè năm 2020, mình dự định đến khám phá nốt vùng đất mũi Cà Mau, nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên kế hoạch bị hoãn lại”.

Sa bộc bạch: “Dù có đến một vùng đất cả chục lần, mình vẫn thấy còn nhiều điều mới mẻ, vẫn còn rất nhiều thứ để khám phá”. Sa nói, cô yêu thích du lịch, bởi cô thuộc tuýp người ưa dịch chuyển, thích đến những vùng đất mới, tìm hiểu về con người và những nền văn hoá mới. Vì thế, khi đi du lịch, cô học hỏi, thu nhận được rất nhiều kiến thức, cảm thấy được thoả mãn niềm đam mê của chính mình.

Đầu năm 2019, sau khi tham dự chuyến du lịch cùng những người bạn tại huyện Na Hang và Lâm Bình (Tuyên Quang), Sa đã nhận thấy: “Làm du lịch được đi khắp nơi trên cả nước, nhưng dù ở đâu, mình vẫn thấy quê hương mình đẹp nhất. Phong cảnh non nước thật hữu tình, không ngờ danh thắng quê mình lại nên thơ đến vậy!”. 

Không chần chừ, Sa về bàn bạc với anh trai phá dãy chuồng lợn vừa đầu tư 50 triệu đồng để làm căn nhà sàn. Cô thuyết phục gia đình cùng làm du lịch và lấy chính căn nhà sàn đang ở, sửa sang lại thành Homestay.

Du khách trải nghiệm đốt lửa trại cùng người dân địa phương
Du khách trải nghiệm đốt lửa trại cùng người dân địa phương

Đến làm du lịch trải nghiệm văn hoá dân tộc Tày

Ban đầu, Sa kết hợp với các đoàn lữ hành, các công ty mà mình quen biết để gom tua và đưa du khách đến ở tại Homestay của gia đình; Sa lên kế hoạch cho các Tour tham quan và kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn. Trung bình một tháng, cô tổ chức từ 3 đến 5 Tour, mỗi Tour 20 khách.

Trong các Tour, Sa thiết kế lịch trình rất kỹ càng để du khách có được những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Cô chọn lọc những điểm đến có di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng của quê hương như, đền Pác Tạ, thác Khuổi Nhi, Cọc Vài, hang Phia Vài… đưa khách đến tham quan, giới thiệu ý nghĩa của các địa điểm đó. Về ẩm thực, Sa tổ chức cho khách các bữa ăn, với nhiều món đặc sản của đồng bào dân tộc Tày như, rau bò khai, cá lăng, thịt chua, xôi ngũ sắc… Buổi tối, du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ như hát then, hát si lượn, hát cọi, nhảy sạp, múa lửa trại do chính người Tày địa phương biểu diễn.

Sa chia sẻ, cô chưa hài lòng các tuor du lịch đang làm nên  đã lên kế hoạch xây dựng thêm mô hình trải nghiệm văn hoá Tày kết hợp với du lịch sinh thái. Với mô hình này, cô muốn tái hiện lại đầy đủ nhất cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người Tày Na Hang. Du khách đến sẽ được sống như người dân ở đây, được trực tiếp đi lấy nước ở máng lần, đi bắt cá, gặt lúa, giã gạo, giã cốm, dệt vải… 

Sa nói, bảo tồn văn hoá, không chỉ dừng lại ở việc trưng bày và chiêm ngưỡng, mình muốn du khách sau khi trải nghiệm sẽ biết rằng, đây chính là cuộc sống thường ngày của bà con dân tộc Tày nơi đây. Vì, chỉ khi được trải nghiệm, họ mới có ấn tượng sâu sắc và nhớ lâu về nó.  “Ngày xưa mình chỉ muốn lớn thật nhanh, được đi học trên tỉnh, được tiếp cận đến những thứ hiện đại để thay đổi cuộc sống nghèo khó. Thực sự lúc đó mình không nghĩ sẽ có ngày hôm nay, là khi mình quyết định rời thành phố để về quê hương khởi nghiệp!”. 

Sau tất cả, với tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, kỳ vọng của Nông Mi Sa, là sẽ tổ chức được thật nhiều Tour du lịch để đưa các đoàn khách trong và ngoài nước đến với Na Hang, góp sức nhỏ bé của mình để quảng bá hình ảnh một Na Hang tươi đẹp, phát triển, đậm đà bản sắc dân tộc.



Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.