Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Uống rượu “khát vọng” - Một kiểu câu khách cần lên án

Văn Hoa - 18:25, 05/04/2021

Thời gian qua, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, chủ yếu là Sơn La và Điện Biên có nhiều nhà hàng, điểm du lịch xuất hiện cách uống rượu “khát vọng” mang tính chất lố bịch, dung tục trong những cuộc trà dư tửu hậu. Đáng tiếc là, cách uống rượu ấy lại được "gắn mác" là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Chính việc làm tùy tiện vì mục đích chạy theo lợi nhuận này đã gây nên bức xúc, phản đối của công đồng xã hội, đặc biệt là đồng bào dân tộc Thái.

Để câu khách, rất nhiều nhà hàng đã bày ra cách uống rượu biến tướng làm xấu đi hình ảnh văn hóa dân tộc Thái
Để câu khách, nhiều nhà hàng đã bày ra cách uống rượu "khát vọng" rất dung tục

Trong một dịp đến với Tây Bắc, chúng tôi có cơ hội thưởng thức bữa tối  mang đậm bản sắc ẩm thực của  dân tộc Thái với nhiều món ngon và những tiết mục văn nghệ đặc sắc bên nếp nhà sàn truyền thống. Trong bữa ăn, chúng tôi được những cô gái với bộ trang phục truyền thống dân tộc Thái giới thiệu về cách uống rượu “khát vọng”, theo các cô gái này, đây là cách uống rượu của người Thái.

“Khát vọng” có ba cấp, tương đương với ba hành động khác nhau. Từ cấp độ đan chéo hai tay giữa hai người uống, đến vòng qua eo cô gái từ phía sau, sau đó ôm trực tiếp và uống từ phía trước... Cách uống rượu đó được du khách tán thưởng, vui sướng trong những tiếng cười khoái chí “hả hê”. Nhiều người nhanh tay lấy chiếc điện thoại di động ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ này. Tất cả các hành động đều được những cô gái  chủ động thực hiện và giới thiệu đó là nét đẹp truyền thống trong văn hóa Thái.

Đem câu chuyện trên trao đổi với chị Cầm Trang Thơ, Trưởng Ban Liên lạc cộng đồng dân tộc Thái tại Hà Nội, chị Thơ khẳng định, cách uống rượu trên không phải của người Thái. Chị Thơ cho biết, để câu khách, rất nhiều nhà hàng đã bày ra cách uống rượu biến tướng này, nó đang làm xấu đi hình ảnh văn hóa dân tộc Thái vùng Tây Bắc”.

Khi tra từ khóa “Uống rượu khát vọng” trên nền tảng Google, Youtube thì có hàng loạt các kết quả tìm kiếm về cách uống rượu trên. Những bài viết, Video như vậy thu hút được lượt tương tác, lượt xem và bình luận rất cao. Trong đó, có nhiều bình luận thiếu hiểu biết, khá dung tục.

Bên cạnh đó, có nhiều bình luận của chính người dân tộc Thái lên án sự lố bịch của các nhân vật trong Video và người đăng tải: “...Uống rượu kiểu khát vọng. Ôi thật đáng lên án! Tôi là người Thái tôi thấy ở đây không chấp nhận được, đề nghị xóa clip ngay ”; hay “Đã khoác lên mình bộ váy áo cóm xinh đẹp dịu dàng của người con gái Thái, vậy mà các chị lại làm mất mặt người Thái mình quá. Văn hóa dân tộc Thái không có uống rượu kiểu này đâu các chị ơi”; “ Đây không phải bản sắc văn hoá Thái, chỉ là do các chị em này làm biến tướng thôi. Bản Mển đây sao? Các chị em này góp phần làm sai lệch hình ảnh văn hoá dân tộc”...

Với vai một đại lý du lịch liên hệ với anh Khánh tại bản Mển (Điện Biên) để đặt dịch vụ ăn uống, anh Khánh khẳng định cách uống rượu “khát vọng” là của người Thái (đen). Tại hầu hết các điểm du lịch, làng văn hóa, nhà hàng ở Điện Biên đều có, anh sẵn sàng cung cấp hình ảnh, Video để cho chúng tôi giới thiệu với khách du lịch. Và đây cũng chính là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với nhà hàng.

Để làm rõ hơn vấn đề trên, chúng tôi tìm về Nghĩa Lộ (Yên Bái) gặp Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến, người được cộng đồng suy tôn là "Kho tàng sống về văn hóa Thái", ông Biến khẳng định: “Người Thái (nhóm Thái đen) hoàn toàn không có kiểu uống rượu “khát vọng”, mà chỉ có cách uống: Buông thùng, giọt nước mưa, dòng nước chảy. "Khát vọng" chỉ là do các nhà hàng bịa ra để câu khách. Người Thái muốn giữ được bài hát, nhạc cụ của mình để kế tục cho con cháu, trong cuộc rượu sẽ có nhiều cách uống rượu, trong đó tổ chức đan xen các trò chơi nhỏ. Ai thua sẽ có 2 lựa chọn: uống rượu hoặc hát, hoặc biểu diễn nhạc cụ dân tộc như đánh đàn, thổi kèn, pí... Trò chơi buộc giới trẻ có ý thức hơn trong bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết thêm: Người Thái ở Điện Biên khi tổ chức ăn cỗ, các mâm cỗ được kê liền nhau thành một mâm dài truyền thống, không có khoảng cách người ngồi giữa các mâm. Chai rượu thêm cần dài, tiếng Thái gọi là “Poi lẩu“ để đứng rót rượu dễ hơn. Còn việc ôm vai, khoác eo để uống không phải là văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, nó dễ gây ra phản cảm. Thời gian qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã có nhiều khuyến cáo, quán triệt, nhắc nhở, phê bình các nhà hàng, tuy nhiên vì nhu cầu của khách du lịch nên các nhà hàng vẫn để xảy ra tình trạng trên. Hiện nay, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đang xây dựng Nghị quyết để bảo tồn văn hóa các dân tộc, xây dựng hình ảnh du lịch Điện Biên thân thiện, giàu bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, quản lí về văn hóa và của chính cộng đồng người Thái ở Tây Bắc đều khẳng định, cách uống rượu “khát vọng” hoàn toàn không phải của người dân tộc Thái. Một số nhà hàng vì lợi nhuận mà gây hiểu nhầm, làm sai lệch nét đẹp văn hóa mời rượu của người Thái là rất đáng lên án. Mong rằng, các cơ quan quản lí văn hóa cần có biện pháp xử lý quyết liệt hơn để dẹp bỏ những hoạt động phi văn hóa này.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.