Là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên trong cái “nôi” văn hóa cộng đồng người Thái-Điện Biên, theo sự hiểu biết của bản thân tôi thì văn hóa uống rượu của người Thái rất văn minh, lịch sự. Cách mời rượu rất chân tình không cần ép, ôm... mà người được mời rượu sẽ say tình, say nghĩa, say lời mời chứ không phải ôm nhau, rồi đan chéo tay nhau (thậm chí tay người này cầm chén rượu đổ vào miệng của người kia và ngược lại)...
Theo phong tục của người Thái, trước khi uống, người khách cầm chén rượu của mình tự rót vào 2 chén bày sẵn mỗi chén một chút, sau đó dùng ngón tay út của bàn tay phải chấm vào chén rượu của mình búng về phía sau vai bên phải, rồi chấm tiếp giọt thứ 2 búng qua vai bên trái, tỏ ý tôn kính tổ tiên. Nếu ở xa 2 chén đó thì khẽ nghiêng chén rượu của mình để nhỏ chút rượu xuống sàn nhà để mời tổ tiên của chủ nhà…
Ấy vậy mà nhiều vị khách từ miền xuôi lên Tây Bắc với mong muốn được thưởng thức ẩm thực của người Thái, vừa ngồi vào mâm chưa kịp cầm đũa đã bị các cô gái Thái trong đội văn nghệ choàng tay ép uống rượu theo kiểu “khát vọng” khiến khách “gục” ngay tại trận.
Lại có đôi vợ chồng khi lên Điện Biên thưởng thức ẩm thực tại một nhà hàng đã xảy ra ghen tuông, cãi vã nhau chỉ vì anh chồng “bị” các cô gái Thái trong đội văn nghệ nhiệt tình mời rượu theo kiểu “khát vọng”.
Văn hóa mời rượu theo phong tục truyền thống của người Thái là một nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử của người vùng cao. Xin đừng làm biến tướng nét đẹp văn hóa ấy bằng những thứ văn hóa lai căng kiểu như “khát vọng”.
LÒ THỊ KIM