Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lâm Đồng: Tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo bền vững

Mạnh Cường - 11:00, 09/10/2023

Tỉnh Lâm Đồng đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên, có tổng diện tích 978.220 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 368.233 ha, diện tích đất lâm nghiệp 537.720 ha. Với tài nguyên đất đai phong phú về thổ nhưỡng, đa dạng về địa hình, khí hậu ôn hòa đã tạo cho Lâm Đồng thế mạnh trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, dịch vụ và du lịch.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tính đến cuối năm 2022, tỉnh Lâm Đồng còn 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94%; 11.601 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,40%. Trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 4.594 hộ, chiếm tỷ lệ 5,65%; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số còn 6.905 hộ, chiếm tỷ lệ 8,57%.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kịp thời các quyết định, kế hoạch để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt mà địa phương nỗ lực thực hiện nhằm chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, nhất là những đối tượng yếu thế, người nghèo, góp phần đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo về Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn UBND các huyện, thành phố triển khai cụ thể từng dự án, chính sách của Chương trình; phối hợp với các ngành tổ chức kiểm tra việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tỉnh Lâm Đồng sẽ ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo
Tỉnh Lâm Đồng sẽ ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo

Ngoài ra, địa phương đã ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo; Kết hợp lồng ghép kế hoạch giảm nghèo của tỉnh với kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025; kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025; Tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội dành cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới hoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn khác…

Trong giai đoạn 2021-2023, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được bố trí 92.116 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương 75.898 triệu đồng. Tổng số vốn bố trí kế hoạch đầu tư công thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo là 4.833 triệu đồng; tổng số vốn bố trí kế hoạch thuộc nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình là 87.283 triệu đồng. Tỉnh đã phân bổ kinh phí cho các sở, ngành, địa phương thực hiện các Dự án, Tiểu dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện nay, hệ thống văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương ban hành đầy đủ, trong đó đã thể hiện được nguyên tắc, cơ chế đổi mới trong quản lý, điều hành và triển khai thực hiện các hoạt động, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình, tạo khung pháp lý hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật từ khâu xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực đến việc triển khai thực hiện từng dự án thành phần của Chương trình. Đối với tỉnh Lâm Đồng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt Chương trình giảm nghèo; các cơ quan chuyên môn đã tích cực phối hợp tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách giảm nghèo để triển khai thực hiện.

Hỗ trợ sinh kế giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống
Hỗ trợ sinh kế giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm tạo sự thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; tôn vinh doanh nghiệp, tập thể cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo chung (y tế, giáo dục, dạy nghề, vay vốn ưu đãi, nhà ở, …) nhằm từng bước cải thiện điều kiện sống, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của nhóm nghèo nhất, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Tiếp tục quan tâm, theo dõi, hỗ trợ hộ vừa thoát nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua ưu tiên dạy nghề, giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước; hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ đất sản xuất, cho vay vốn vay ưu đãi…

Lồng ghép hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng; không huy động đóng góp của gia đình nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm; huy động nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm giảm mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo từ các chương trình, dự án của các ngành, đóng góp của các tổ chức cá nhân.

Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể trong xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo; công khai chính sách; giám sát, đánh giá hiệu quả, kết quả công tác giảm nghèo từ thôn, xã đến huyện, tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị về chủ trương giảm nghèo, đẩy mạnh xã hội hóa và động viên người nghèo tự lực vươn lên.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các chính sách của chương trình giảm nghèo; công khai, minh bạch trong rà soát hộ nghèo; lấy ý kiến người nghèo, cán bộ xã, thôn trong đánh giá chính sách, điều chỉnh kịp thời các chính sách địa phương; gắn chương trình giảm nghèo với các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.