Những thành tựu to lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo
Giảm nghèo là một chính sách quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai, thực hiện trên địa bàn cả nước luôn được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về định hướng giảm nghèo bền vững và ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các ngành, các cấp ở địa phương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân
Nhờ đó, sự nghiệp giảm nghèo nói chung đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được quốc tế ghi nhận, là một điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, đã tạo ra sự thay đổi, diện mạo của vùng nông thôn.
Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo đã giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống 50,97% cuối năm 2011 (giảm 7,36%), 43,89% cuối năm 2012 (giảm 7,08%), 38,2% cuối năm 2013 (giảm 5,69%), 32,59% cuối năm 2014 (5,61%) và còn 28% cuối năm 2015 (giảm 4,59%); bình quân giảm trên 6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi tăng gấp 2,5 lần) đạt mục tiêu đề ra.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ nghèo cả nước giảm từ 9,88 (2015) xuống còn 5,23% (2018), bình quân mỗi năm giảm 1,55% đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra; tỷ lệ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm, vượt mục tiêu (giảm 4%); các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3 - 4% trở lên mỗi năm, đạt mục tiêu.
Đẩy mạnh thực hiện giảm nghèo ở những địa bàn khó khăn
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2021/QH15 về phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”. Nghị quyết này của Quốc hội hướng tới mục tiêu bền vững hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chương trình được thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025 trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng; Vốn ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng; huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng.
Theo đó, Nghị quyết 24/2021/QH15 đề ra mục tiêu cụ thể về tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã đề ra nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện Chương trình là: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo DTTS, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Ngoài ra, Quốc hội đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ở cấp Trung ương và ở địa phương bảo đảm hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp giữa 3 Chương trình.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24/2021/QH15, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên các mục tiêu giảm nghèo được Quốc hội phê duyệt, đồng thời đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện các dự án, tiểu dự án nhằm đạt các mục tiêu trên.
Hiện Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thành lập để chỉ đạo chung cả ba chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ, thống nhất từ trung ương tới các địa phương.
Nhờ đó, kết quả thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nửa đầu giai đoạn 2021 - 2025 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%, giảm 1,17%, đạt chỉ tiêu của Chương trình do Quốc hội, Chính phủ giao (từ 1-1,5%). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%, giảm 4,89% . Con số này của năm 2021 là 25,91%), đạt mục tiêu của Chương trình (giảm hơn 3%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62% (giảm 6,35%) đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (4%). 22/74 huyện nghèo đang được hỗ trợ đầu tư để bảo đảm mục tiêu “30% huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo” cuối năm 2025.
Một xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Dự kiến cuối năm 2023 thêm 9 xã sẽ được công nhận. Con số này sẽ nâng lên tổng cộng 10/54 xã đạt nông thôn mới, chiếm khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Tính đến hết tháng 3 năm nay 2023, cả nước đã có 8 địa phương ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đó là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Quảng Ninh.