Giữa tháng 3 vừa qua, Hội đồng kiểm kê Viện Nghiên cứu Hán Nôm báo cáo việc kho Sưu tầm bị thiếu 121 cuốn sách, gồm cả 11 cuốn thuộc danh sách báo mất năm 2022. Ngoài ra, có 339 quyển đã vào số nhưng lẫn lộn ký hiệu, chưa xác định rõ có nằm trong 121 sách thiếu không. Nhóm kiểm kê cũng rà soát toàn bộ 17.712 sách trong kho và xác định có 877 quyển (5%) bị hư hỏng nặng. Đây không phải lần đầu tình trạng mất, hư hỏng sách xảy ra tại đây. Cuối tháng 12/2022, Viện cũng thông báo mất 25 cuốn sách.
Đây là những di sản văn hóa Hán Nôm vô cùng quý giá, là tài liệu thành văn chứa đựng nhiều giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa của dân tộc. Khi nó “biến mất” cũng đồng nghĩa chúng ta đang dần mất đi những hiện vật gốc, một tài sản văn hóa mà tiền nhân để lại. Thực trạng này, không chỉ khiến dư luận lo ngại về công tác lưu trữ, bảo quản kho tàng thư tịch cổ hiện nay ở nước ta, mà còn khiến chúng ta nhìn lại thực trạng bảo tồn các di sản văn hóa đã từng diễn ra như: Các công trình di sản bị xâm hại hay được trùng tu không đúng cách; các phong tục đẹp, giá trị nghệ thuật dân gian, không gian sinh tồn… bị phai nhạt, mất dần theo thời gian.
Không ít vụ trùng tu di tích khiến dư luận đặt câu hỏi: Di tích đang được trùng tu hay đang bị phá hoại? Có thể kể đến những vụ việc như bê tông hóa đình Lương Xá - một ngôi đình cổ đã tồn tại hàng trăm năm ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội năm 2018. Thành nhà Mạc ở tỉnh Tuyên Quang bị ví như “lò gạch” sau khi trùng tu. Đình Chèm - công trình kiến trúc cổ bậc nhất Việt Nam, được ví như “báu vật” 2.000 năm tuổi của Kinh thành Thăng Long - Hà Nội bị dỡ đi toàn bộ bậc thềm, nền đá ngoài đình, mặt hướng ra sông Hồng, cây đa lớn trước cửa đình bị chặt bỏ khiến người dân tiếc nuối.
Trùng tu lẽ ra phải là công cuộc cứu giữ các giá trị nguyên gốc của di tích. Nhưng trên thực tế, những công trình, dự án trùng tu trên lại trở thành “thảm họa” không đáng có. Những bài học về bảo vệ di sản dường như chưa bao giờ cũ.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), cả nước hiện có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó, có hơn 4.000 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia, 124 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, một số di tích đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới…
Những năm qua, Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản pháp luật về bảo tồn Di sản văn hóa, từng bước đồng bộ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn, như: Luật Di sản Văn hóa (2001); Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung (2009); cùng hàng chục nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL và Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… Đó là kim chỉ nam, là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều vụ việc xâm hại, trùng tu di tích không đúng diễn ra trong một thời gian dài. Chỉ khi dư luận lên tiếng, thì các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương mới vào cuộc kiểm tra, xử lý. Điều đó cho thấy, vai trò giám sát, bảo vệ di tích của chính quyền địa phương, cũng như của cộng đồng dân cư chưa được nêu cao, quan tâm đúng mức.
PGs.Ts. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thấm sâu vào mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt trong hoạt động bảo tồn Di sản văn hóa, điều kiện tiên quyết đặt ra là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời, phải tăng cường đầu tư nguồn lực, trong đó có nguồn đầu tư công (ngân sách nhà nước) cho phát triển văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa.
Chúng ta cần có cách tiếp cận liên ngành và hệ thống để sửa đổi, bổ sung các điều luật có liên quan tới tất cả các lĩnh vực di sản văn hóa (di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể, di tích, bảo tàng, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu…), tạo hành lang pháp lý rộng mở và cơ hội thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các nghệ nhân dân gian, các cộng đồng cư dân địa phương có sáng tạo trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng của Việt Nam.
Di tích văn hóa là tài sản vô giá, không dễ dàng hình thành, nhưng rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy di tích vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa mang tính lâu dài; đồng thời, không phải nhiệm vụ của một cấp, một ngành hay riêng địa phương, đơn vị nào. Mọi người chúng ta cũng phải biết yêu quý, trân trọng những giá trị vô giá mà tiền nhân để lại; đồng thời phải có trách nhiệm đối với di sản văn hóa từ những việc làm nhỏ nhất.