Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tìm trong di sản

Nghệ nhân Nhân dân "giữ lửa" cho di sản văn hóa xứ Thanh

Quỳnh Trâm - 15:39, 03/04/2023

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa vinh dự có 3 Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước truy tặng và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, 26 nghệ nhân được truy tặng, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho bà Phạm Thị Tắng và ông Đỗ Đình Tạ
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho bà Phạm Thị Tắng và ông Đỗ Đình Tạ

Trọn đời gắn bó với văn hóa xứ Mường

Với việc dành phần lớn thời gian, cuộc sống gắn bó và gìn giữ văn hóa xứ Mường, bà Phạm Thị Tắng (80 tuổi) ở thôn Lỏ, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) là 1 trong số 3 nghệ nhân xuất sắc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong năm 2022.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm mo Mường (ông Mo - bà Máy). Từ nhỏ, cô gái Phạm Thị Tắng đã sớm được chỉ dạy và thuần thục từng điệu múa, lời hát xường của người Mường; rồi được người lớn dạy cho cách “gọt” cây chạng bạng để nở thành hoa bông trắng... Đến hôm nay, thấm thoát đã hơn 50 năm, từ ngày cô gái Tắng chính thức được ma “Nổ” (ông tổ của nghề thuốc Nam) lựa chọn để trở thành bà Máy.

Trong quan niệm của người Mường, nếu ông Mo là người thường thực hiện các nghi lễ “cúng” trong đời sống tâm linh, thì bà Máy lại là người chuyên vào rừng hái thuốc Nam chữa bệnh cho người dân. Nhiều người biết hái thuốc song không phải ai cũng có thể trở thành bà Máy. Đó phải là người được ma "Nổ" lựa chọn và cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng. Một bà Máy giỏi là khi có nhiều “con Mày, con Nuôi” (những người được bà Máy hái thuốc chữa khỏi bệnh). Sau khi được bà Máy chữa cho khỏi bệnh, các con Mày, con Nuôi sẽ dựng cây Bông tại nhà bà Máy như một cách trả ơn, hàng năm tổ chức lễ hội Pôồn Pôông múa hát quanh cây bông.

Khi trở thành bà Máy, Máy Tắng được đặc biệt truyền dạy các nghi lễ thuộc lễ hội Pôồn Pôông. Cùng với việc bốc thuốc chữa bệnh, Máy Tắng còn biết nhảy múa, hát xường rất giỏi.

Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Tắng (áo đỏ) điều khiển trò diễn Pôồn Pôông tại liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa
Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Tắng (áo đỏ) điều khiển trò diễn Pôồn Pôông tại liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa

Do nhiều yếu tố, từng có giai đoạn lễ hội Pôồn Pôông bị mai một, rơi vào quên lãng, không được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng. Nhưng nhờ có những người như Máy Tắng, nó vẫn được “lưu giữ”. Bao năm nay, Nghệ nhân Phạm Thị Tắng đã dành trọn cuộc đời sưu tầm, giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ trẻ xã Cao Ngọc và nhiều địa phương miền núi tỉnh Thanh Hóa những giá trị văn hóa Mường. Và cũng là người có công rất lớn trong việc phục dựng, bảo tồn và phát huy Lễ hội Pồn Pôông - Lễ hội tiêu biểu, độc đáo của người Mường đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. 

Say mê gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của cha ông xưa, nghệ nhân Phạm Thị Tắng không chỉ góp phần làm “sống” dậy một lễ hội được xem như “linh hồn” của văn hóa Mường, mà còn đem lễ hội - trò diễn Pôồn Pôông đến với các liên hoan, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh để giao lưu, quảng bá.

Không chỉ say mê gìn giữ, Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng suốt nhiều năm qua còn miệt mài trong việc truyền dạy các nghi lễ, điệu múa, bài xường... để Lễ hội Pôồn Pôông đến được nhiều thế hệ người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Nghệ nhân Phạm Thị Tắng chia sẻ: “Bà muốn dạy cho nhiều người cùng biết hát, biết nhảy múa Pôồn Pôông, chứ biết một mình buồn lắm. Học nhảy múa không khó, nhưng để nhớ được các bài hát, điệu xường thì không dễ, phải thật chú tâm”.

Số lượng người được nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng truyền dạy có hàng trăm người, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, chỉ cần có nhu cầu học thì sẽ được tận tình chỉ dạy.

Cùng với việc say mê bảo tồn văn hóa, phong tục, tập quán địa phương, với uy tín và ảnh hưởng đối với cộng đồng dân cư, Ngệ nhân Phạm Thị Tắng còn là tấm gương điển hình trong lối sống, thường xuyên vận động gia đình, dòng họ, người dân xóa bỏ hủ tục, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... góp phần xây dựng thôn bản văn minh, phát triển.

Để trò diễn Xuân Phả trường tồn

Cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong năm 2022, Nghệ nhân Đỗ Đình Tạ, 88 tuổi, ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân rất xúc động, tự hào. Hơn 30 năm qua, ông và nhiều cán bộ, nghệ nhân ở xã Xuân Trường luôn tâm huyết với trò diễn Xuân Phả. Ông đã dành nhiều công sức sưu tầm, phục dựng, đưa trò diễn độc đáo của cha ông ngày càng lan tỏa và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa hiện đại của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung.

Những người ‘giữ lửa’ cho văn hoá ở xứ Thanh 2
Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Tắng đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc
Lễ hội trò diễn Xuân Phả nhằm tưởng nhớ công ơn của vị Thành hoàng làng Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân - người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân. Đây được xem là sinh hoạt văn hóa truyền thống thường niên của dân làng, gồm các trò diễn và trò chơi dân gian độc đáo như: Lễ tiên hiền, rước văn, rước sắc, hội thi làm cỗ, lễ tế Thành Hoàng.

Trò diễn Xuân Phả gồm 5 điệu múa dân gian đặc sắc với tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” gồm các trò Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần) mô phỏng các bộ tộc và các nước lân bang đem đồ tiến cống vua Đinh. Đạo cụ diễn trò hầu như được chế bằng những nguyên liệu sẵn có như tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si… Các nhân vật tham gia trò diễn ăn mặc sặc sỡ, với màu chủ đạo là màu đỏ, màu xanh và màu vàng.

Tháng 9/2016, trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Di sản này không chỉ là báu vật văn hóa xứ Thanh, mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

“Với trách nhiệm là người hiểu biết về trò, đang diễn trò, tôi muốn được truyền dạy lại cho lớp thế hệ sau với mong mỏi trò Xuân Phả sẽ trường tồn với thời gian”, ông Tạ chia sẻ.

“Trong thời gian tới, địa phương sẽ mở lớp dạy trò diễn Xuân Phả cho 125 cháu, chúng tôi cũng đang đề xuất với huyện Thọ Xuân đưa trò Xuân Phả vào các trường học, không chỉ ở Xuân Trường mà ở các địa phương khác”, ông Bùi Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho hay.