Giàu tiềm năng xuất khẩu nông sản
Với đặc thù là địa phương có lợi thế phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng, đặc sản, chất lượng như cây ăn quả ôn đới, nhiệt đới, cây dược liệu, lúa chất lượng cao, chè, mắc ca, rau, hoa, củ quả các loại…, Lai Châu xác định phát triển nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách; tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp; triển khai mạnh hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Lai Châu đã xây dựng được hình ảnh trên thị trường và được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài đón nhận. Đặc biệt, một số sản phẩm của tỉnh không chỉ được người tiêu dùng cả nước biết đến mà còn xuất khẩu, trong đó phải kể đến là sản phẩm chè, chuối…
Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, cây chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Lai Châu. Hiện nay, tổng diện tích cây chè trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển lên 10.500ha, được trồng chủ yếu tại các huyện: Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ và thành phố Lai Châu. Các giống chè phổ biến của Lai Châu là: Chè cổ thụ, Shan tuyết, Kim Tuyên, PH8... Năng suất chè búp tươi bình quân đạt trên 70 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 58.000 tấn.
Trong số 10.500ha chè trên địa bàn toàn tỉnh, có trên 7.000ha diện tích chè thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chiếm 67% tổng diện tích; có 260ha chè áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, trong đó diện tích đã được chứng nhận khoảng 160ha (chứng nhận tiêu chuẩn RA 126ha; chứng nhận VietGAP 10,5ha; chứng nhận Hữu cơ 23,6ha); đang triển khai thực hiện trên 100ha chè áp dụng tiêu chuẩn VietGap.
Hiện tại, Lai Châu có trên 90 cơ sở chế biến chè. Hằng năm, tỉnh sản xuất ra gần 10.000 tấn sản phẩm chè với nhiều mẫu mã đa dạng, như: Chè CTC BOP, chè CTC BP, chè CTC PD, chè CTC PF, chè xanh sao lăn, chè xanh duỗi, chè Ô long, Matcha, Sencha, Đông phương mĩ nhân, Hồng chè… Trong đó, có 2 sản phẩm được chứng nhận HALAL là: Green Tea và Sencha Tea. Ngoài ra còn có 1 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia; 1 sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2020; 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.
Chè Lai Châu có hương thơm nồng đượm, vị ngọt đậm và chát dịu, nước chè sánh và trong. Những năm gần đây, chè Lai Châu không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Pakistan, Afganistan và các nước khu vực Trung Đông. Hiện tại đang hướng tới thị trường Nhật Bản.
Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Lai Châu cho biết, giai đoạn 2020-2024, sản chè khô xuất khẩu của tỉnh đạt 15,38 tấn, trị giá 32,36 triệu USD, trong đó xuất khẩu trực tiếp chiếm 35% tổng sản lượng chè với các dạng sản phẩm: Chè xanh sao lăn, chè đen, sen cha, hồng chè, Đông phương mỹ nhân, Ô long. Số còn lại là xuất ủy thác dưới dạng đóng bao lớn với bao bì đóng gói của các nhà nhập khẩu và tiêu thụ nội địa. Nhờ trồng chè, thu nhập của người dân được nâng lên, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, cây chè đem lại nguồn thu ổn định cho người dân trên địa bàn.
Bà Đoàn Thị Hồng, bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên cho biết: Gia đình bà gắn bó với cây chè được 25 năm. Nhờ trồng chè, cuộc sống của gia đình có thu nhập ổn định và nuôi 5 người con ăn học. Hiện mỗi năm, gia đình thu trên 200 triệu đồng từ bán chè, kinh tế ngày càng dư giả.
Ngoài thế mạnh trồng chè xuất khẩu, tỉnh Lai Châu còn giàu tiềm năng, thế mạnh về các loại cây nông sản, dược liệu, cây công nghiệp, cây ăn quả… Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho thấy, toàn tỉnh có 12.000ha cây cao su, 8.000ha cây ăn quả; 11.300ha cây dược liệu (trong đó có khoảng 100ha sâm Lai Châu, hơn 6.600ha thảo quả, 2.500ha cây sa nhân); hơn 7.400ha cây mắc ca, sản lượng ước đạt hơn 3.430 tấn; 7.250 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại. Có 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu
Là một tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, có Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng, lối mở U Ma Tu Khòong - Bình Hà và các đường qua lại, thuận lợi cho phát triển kinh tế đối ngoại, tuy nhiên, Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, kinh tế mậu biên chưa thực sự phát triển; giá trị xuất khẩu nông sản còn thấp do diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít. Sản phẩm nông sản chủ yếu đang chế biến ở dạng thô, mẫu mã chưa đa dạng, năng lực cạnh tranh thấp nên xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và thiếu tính ổn định.
Để tăng cường kết nối, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, những năm qua, tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm đến công tác đối ngoại, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - du lịch, an ninh quốc phòng…, từ đó kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương, mở ra cơ hội để nông sản Lai Châu vươn sang các nước láng giềng và ra thế giới.
Cụ thể, thời gian qua, Sở Công thương tỉnh Lai Châu đã tăng cường triển khai các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Tổ chức Hội chợ Công thương vùng Tây Bắc - Lai Châu, kết nối giao thương các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại, chương trình bình ổn thị trường, chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa,… do các tỉnh, thành phố tổ chức.
Đến nay, các cơ quan chuyên môn của tỉnh hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 40 sản phẩm nông sản tham gia Tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản tại Hà Nội; Hỗ trợ 37 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với trên 250 lượt sản phẩm nông sản trưng bày giới thiệu tại nhiều hội chợ do các tỉnh, thành phố tổ chức; Hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến nông sản xây dựng, vận hành ổn định website bán hàng và đưa 20 sản phẩm nông sản lên hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa của tỉnh; Tổ chức tập huấn kỹ năng bán hàng trên mạng xã hội cho 160 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh;
Phối hợp với một số công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang Kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng; Tổ chức Hội thảo xúc tiến sản phẩm chè của tỉnh Lai Châu để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm chè của tỉnh đến doanh nghiệp các nước khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các điểm cầu tại Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á…
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 4 giữa Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh biên giới: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên (Việt Nam) và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) được tổ chức tại tỉnh Vân Nam hồi tháng 6/2024 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu - Giàng Páo Mỷ đã có buổi Hội kiến với ông Triệu Thụy Quân, Bí thư Châu ủy Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) .
Một số vấn đề được Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ đề cập tại buổi Hội kiến như: Đề nghị, Châu Hồng Hà báo cáo cấp có thẩm quyền sớm chỉ định cửa khẩu Kim Thủy Hà là cửa khẩu được phép nhập khẩu các mặt hàng trái cây, rau quả tươi, lương thực và thủy sản của Việt Nam; đồng thời, cho phép một số mặt hàng có lợi thế của tỉnh Lai Châu như: Thảo quả, nghệ, sa nhân, mía được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc…
Có thể khẳng định, việc hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản đã và đang được tỉnh Lai Châu tăng cường thực hiện để trở thành cầu nối thúc đẩy, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là từng bước tiếp cận được thị trường quốc tế.