Thưa ông, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn. Tỉnh Lai Châu đã có những bước triển khai như thế nào để Chương trình đạt hiệu quả cao nhất?.
Ông Trần Hữu Chí: Quyết 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 là một quyết sách lớn; đã cụ thể hóa chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS.
Chương trình được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chính sách dành cho đồng bào DTTS nhiều năm qua, cùng với những chính sách mới, nhưng được thay đổi căn bản về cách tiếp cận trong phát triển kinh tế - xã hội dành cho địa bàn đặc thù này. Đó là chuyển dần từ các chính sách mang tính hỗ trợ sang đầu tư phát triển.
Trong gia đoạn I của Chương trình (2021-2025), tỉnh Lai Châu được phân bổ trên 4.400 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ, vốn sự nghiệp là 2.267 tỷ đồng, giải quyết những vấn đề cấp thiết của đồng bào. Để triển khai Chương trình đạt hiệu quả cao nhất, tỉnh Lai Châu đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình (Ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình; thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết về "Lãnh đạo thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu"; Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định “Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách Trung ương và tỷ lệ đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS và MN trong giai đoạn 2021-2025".
Trên cơ cở các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, tỉnh Lai Châu cũng đã tập trung, rà soát sơ bộ các nội dung đầu tư, hỗ trợ của Chương trình. Xây dựng kế hoạch trung hạn và hàng năm thực hiện Chương trình…
Ông có thể chia sẻ rõ hơn, về tiến độ triển khai Chương trình giai đoạn I của địa phương?
Ông Trần hữu Chí: Trong giai đoạn I, tỉnh thực hiện các nội dung như: Hoàn thành việc kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ công tác và cơ quan giúp việc các cấp; ban hành cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn; tổ chức triển khai thực hiện Chương trình cũng như kế hoạch liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo điểm. Đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình hàng năm, kế hoạch cho cả giai đoạn.
Chủ trương của tỉnh trước mắt là, tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết, bức xúc của người dân ở vùng đồng bào DTTS và MN, thực hiện các dự án, tiểu dự án có khả năng giải ngân nhanh chóng, hiệu quả...
Thưa ông, bước đầu triển khai Chương trình, tỉnh Lai Châu có gặp khó khăn gì. Giải pháp của tỉnh để tháo gỡ?
Ông Trần hữu Chí: Việc triển khai Chương trình, bước đầu Lai Châu cũng gặp một số khó khăn, lúng túng như, Quyết định số 1719/QĐ-TTg đã xác định phạm vi, đối tượng thụ hưởng, nội dung đầu tư hỗ trợ, song chưa quy định về định mức đầu tư, hỗ trợ cụ thể cho từng nội dung của dự án và tiểu dự của Chương trình.
Việc này được Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành (cơ quan chủ dự án thành phần) chủ trì tham mưu thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có một số bộ, ngành có văn bản hướng dẫn... Đến thời điểm này, Chính phủ chưa giao kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 cũng như kế hoạch năm 2022…
Bên cạnh đó, với đặc thù Lai Châu có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt. Đồng bào DTTS ở nhiều vùng sâu, vùng xa sống phân tán, đi lại khó khăn, ít cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ, phúc lợi xã hội và nền kinh tế thị trường. Đời sống kinh tế - xã hội ở một số địa bàn cơ sở còn kém phát triển, mang nặng tính tự cấp, tự túc, dựa nhiều vào tự nhiên; một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp và việc huy động nguồn lực tại chỗ của cộng đồng rất khó khăn...
Giải pháp của tỉnh là tranh thủ sự quan tâm của Trung ương, tiếp cận nhanh các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của các Bộ, ngành để cụ thể hóa ngay và kịp thời, trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý chỉ đạo và triển khai thực hiện từ cấp tỉnh đến cơ sở. Chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch trung hạn 5 năm và hàng năm, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, hoạt động thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu, nội dung đầu tư của Chương trình sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo.
Tỉnh Lai Châu có đề xuất, kiến nghị gì đến Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, thưa ông?
Ông Trần Hữu Chí: Tỉnh Lai Châu kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG; sớm giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình. Trong đó, bố trí bảo đảm nguồn vốn cho tỉnh theo lộ trình phân kỳ vốn, để thực hiện các mục tiêu đã đề ra đạt hiệu quả đúng như tinh thần Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội đã phê duyệt Đề án.
Trân trọng cảm ơn ông!