Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Cần cố gắng lớn, quyết tâm cao để Chương trình mục tiêu quốc gia phát huy hiệu quả trong thực tiễn”

Thanh Huyền - 19:08, 25/04/2022

Đó là ý kiến phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về thực hiện công tác dân tộc, công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG), ngày 25/4, tại tỉnh Kon Tum.

Đoàn công tác của UBDT làm việc với UBND tỉnh Kon Tum
Đoàn công tác của UBDT làm việc với UBND tỉnh Kon Tum

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn; lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc (UBDT). Về phía tỉnh Kon Tum, tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc; lãnh đạo Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành của tỉnh.

Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc và tình hình triển khai Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đinh Quốc Tuấn cho biết: Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Công tác phối hợp thực hiện giữa cơ quan làm công tác dân tộc với các cấp, các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố được thực hiện bài bản, chặt chẽ.

Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn tỉnh Kon Tum quan tâm đến kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân tộc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn tỉnh Kon Tum quan tâm đến kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân tộc

Về tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia và Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo Trung ương, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương khẩn trương tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025 và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Ban Dân tộc thành lập Tổ công tác Chương trình, ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Tổ công tác; đồng thời, các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác để kịp thời tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn quản lý.

Trên cơ sở hướng dẫn của UBDT, UBND tỉnh giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tiến hành tổ chức rà soát, xác định các nội dung chính sách, đối tượng thụ hưởng, phạm vi, địa bàn thực hiện Chương trình để làm cơ sở xây dựng dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và đề xuất Trung ương phân bổ cho tỉnh Kon Tum để thực hiện Chương trình, với tổng kinh phí đề xuất là 4.870.595 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương trên 3.500 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 169 tỷ đồng; vốn vay tín dụng trên 998 tỷ đồng; vốn huy động khác trên 122 tỷ đồng.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Tỉnh Kon Tum kiến nghị UBDT quan tâm hỗ trợ tỉnh tháo gỡ một số vấn đề khó khăn liên quan đến việc triển khai một số chính sách dân tộc và quá trình tổ chức thực hiện Chương trình MTQG.

Các đại biểu tham dự đề xuất giải pháp cải thiện sinh kế, đặc biệt là sinh kế dưới tán rừng, hỗ trợ người dân an tâm bảo vệ rừng, khai thác rừng thay thế. Quan tâm đến các chính sách cho giáo viên, cơ chế thu hút được giáo viên giảng dạy ở vùng đồng bào DTTS; quan tâm xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, điểm trường ở vùng đồng bào DTTS, bảo đảm điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh vùng DTTS; tăng cường giải pháp bảo vệ môi trường; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đồng bào DTTS ở những khu tái định cư...

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết: Chương trình MTQG có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng đồng bào DTTS. Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định, thời gian qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.

Chia sẻ một số khó khăn đặc thù ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum mong muốn UBDT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để tỉnh thực hiện tốt chính sách dân tộc thời gian tới, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh sẽ chủ động vào cuộc, quyết tâm triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG, vì sự phát triển vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Quốc Tuấn chia sẻ những khó khăn của vùng đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum và cho rằng, tỉnh đã có nhiều cố gắng, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh đã có những chính sách dân tộc đặc thù, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn, tỉnh xây dựng lộ trình, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, triển khai thực hiện chính sách dân tộc bảo đảm  chất lượng, tiến độ, hiệu quả.

Chủ tịch UBDT tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn khẳng định quyết tâm triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG tại địa phương
Chủ tịch UBDT tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn khẳng định quyết tâm triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG tại địa phương

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh bày tỏ đồng tình và phấn khởi khi tỉnh Kon Tum dành nhiều sự quan tâm đến vùng đồng bào DTTS và miền núi; chủ động triển khai thực hiện chính sách dân tộc, Chương trình MTQG.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm khẳng định, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta; là mục tiêu xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Chương trình MTQG là chương trình tổng thể, toàn diện, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi nên phải có cách làm khác, bảo đảm nguồn lực hài hòa, phát huy sức mạnh của người dân…

Đồng tình với những kế hoạch, giải pháp của tỉnh Kon Tum trong thực hiện chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình MTQG trong giai đoạn tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn, các sở, ban, ngành của tỉnh tăng cường phối hợp với Ban Dân tộc triển khai thực hiện Chương trình; chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự tham gia của người dân trong triển khai các chương trình, dự án; phát huy vai trò của truyền thông; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đội ngũ Người có uy tín trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc; quan tâm kiện toàn bộ máy, bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân tộc…

Để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG và các chính sách dân tộc khác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn Tỉnh ủy, UBND tỉnh tích cực phối hợp với UBDT, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để Chương trình phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Về những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã giải đáp và cho biết sẽ tiếp thu, tham mưu, phối hợp giải quyết theo thẩm quyền.

Tỉnh Kon Tum có 9 huyện, 1 thành phố với 102 xã, phường thị trấn. Trong đó, có 92 xã, phường thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi (có 52 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 35 xã khu vực I) và có 371 thôn (làng) đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I; 13 xã biên giới và 3 huyện nghèo.

Dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2021 là 568.780 người; DTTS có 312.430 người, chiếm 54,93%, với 43 dân tộc cùng sinh sống, như: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm...

Tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2021 gần 22.000 hộ, chiếm tỷ lệ 15,32% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có trên 20.000 hộ nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 94,67% so với tổng số hộ nghèo; hộ cận nghèo trên 9.000 hộ, chiếm tỷ lệ 6,33% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.