Thực hiện Chỉ thị, thời gian gần đây, chính quyền địa phương, các đoàn thể đã tích cực vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều giải pháp với nội dung, hình thức phù hợp, linh hoạt nhằm nâng cao nhận thức cho bà con trong việc phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Tăng cường giáo dục giới tính trong trường học
Nhiều năm qua, tảo hôn đã trở thành vấn đề nhức nhối trong vùng đồng bào DTTS ở Lai Châu, trong đó, không ít học sinh trong các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới bỏ học để lấy vợ, lấy chồng. Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này, ngành Giáo dục huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các trường học, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn đưa nội dung giáo dục giới tính vào trường học và coi như một môn học phụ.
Tham dự một buổi ngoại khóa về giáo dục giới tính tại Trường PTDT bán trú THCS Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), không khí trao đổi của các học sinh nhộn nhịp, thoải mái hơn các giờ học khác. Vấn đề về tình bạn, tình yêu trong lứa tuổi học sinh, cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục, hay vấn đề xâm hại, lạm dụng tình dục vị thành niên và cách phòng tránh... đều được cô giáo và cán bộ dân số huyện truyền đạt một cách cởi mở, dễ hiểu, tạo sự hào hứng trong học sinh.
Hoạt động ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục giới tính được các trường học ở Phong Thổ tổ chức theo tháng tại lớp học hoặc nhóm lớp học, hướng đến đối tượng học sinh nữ ở bậc THCS và THPT. Tuyên truyền viên thường là cán bộ dân số huyện, hoặc có khi là chính các thầy cô giáo trong các nhà trường.
"Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông tại thôn, bản, xã. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban của xã, huyện tuyên truyền sâu rộng hơn về pháp luật của Nhà nước để giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Đội ngũ dân số của chúng tôi ở xã, khi nắm được thông tin trường hợp nào chuẩn bị tảo hôn, là chúng tôi lập tức đến vận động ngay tại gia đình. Do đó, tỷ lệ tảo hôn cũng giảm nhiều so với những năm trước", chị Lò Thị Thu Hà, cán bộ Phòng Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Phong Thổ chia sẻ.
Những giải pháp đồng bộ, tích cực
Chia sẻ về vấn đề tảo hôn tại vùng đồng bào DTTS, ông Hoàng Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho biết: Việc triển khai thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2015-2025" trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Việc triển khai thực hiện Đề án trong vùng đồng bào DTTS, luôn được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp triển khai thực hiện, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng.
Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Qua khảo sát và báo cáo của các huyện, thành phố, từ năm 2016 -2020, toàn tỉnh Lai Châu có 2.883 cặp tảo hôn, tập trung chủ yếu tại các huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Mường Tè và 18 cặp hôn nhân cận huyết thống.
Nhận thấy những ảnh hưởng của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống làm kéo lùi sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng đến giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Chỉ thị số 09- CT/TU ngày 6/4/2022 về tăng cường lãnh đạo của các cấp Đảng ủy trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Theo đó, tỉnh Lai Châu tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn trong Nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS về sức khỏe tiền hôn nhân, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đưa giáo dục giới tính với các chủ đề tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào trường học.
Đồng thời, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hình sự, Luật Hộ tịch. Làm tốt công tác quản lý, đăng ký hộ tịch, quản lý trẻ vị thành niên, đăng ký kết hôn; Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của Người có uy tín, già làng, trưởng bản và công chức, viên chức các xã, thị trấn trong tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Đồng thời, nâng cao vai trò của cộng tác viên Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại thôn, bản trong việc theo dõi, báo cáo những trường hợp có ý định kết hôn cận huyết và tảo hôn để kịp ngăn chặn; Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư theo hướng tiến bộ, từng bước đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội…
Tích cực phát triển, nhân rộng các mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các cơ sở. Đồng thời, nâng cao chất lượng thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2015-2025”. Với nhiều biện pháp tích cực, hy vọng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết sẽ từng bước ngăn chặn, đẩy lùi.