Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Người phụ nữ “vác tù và” ở Trọng Hóa

Thanh Phong - 16:55, 08/07/2022

Chị Hồ Thị Thanh được nhiều người Bru Vân Kiều ở bản Hưng và ở xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), ví von là người “vác tù và” của bản, của xã. Giữ vai trò là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trọng Hóa, bao năm qua, chị luôn lăn lộn với các hoạt động xã hội của địa phương. Đặc biệt, chị là người có công trong việc đẩy lùi và chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết của xã Trọng Hóa; là tấm gương trong phát triển kinh tế làm giàu để bà con noi theo.

Chị Hồ Thị Thanh (ngoài cùng bên phải) đã đi dấu khắp mọi nẻo đường rừng để tuyên truyền, vận động bà con không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hướng dẫn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình
Chị Hồ Thị Thanh (ngoài cùng bên phải) đã đi khắp mọi nẻo đường rừng để tuyên truyền, vận động bà con không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hướng dẫn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình

Quyết tâm thoát nghèo

Bản Hưng có 100% người Bru Vân Kiều sinh sống. Nhiều năm trước, đời sống của bà con luôn trong cảnh “thiếu trước hụt sau”. Cứ đến mùa giáp hạt là cả bản lại thiếu lương thực, chính quyền địa phương phải cấp gạo cứu đói.

Chị Hồ Thị Thanh là người con của bản nên hiểu rõ những khó khăn, vất vả của người dân bản mình. Khi lập gia đình, vừa ra ở riêng, vợ chồng chị Thanh cũng thiếu thốn như nhiều hộ đồng bào Bru Vân Kiều ở bản. Không cam chịu cảnh đói nghèo, chị Thanh quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình. 

Năm 2007, chị mạnh dạn vay 5 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa, đầu tư làm kinh tế. Được cán bộ và bà con trong xã tư vấn, chị đã xin đi học lớp đào tạo chăn nuôi ngắn hạn. Thời gian đầu, do chưa quen nên việc học tập đối với chị rất vất vả, nhưng vốn là người kiên trì và ham học hỏi nên những khó khăn đó, không làm chị chùn bước mà ngược lại chị càng quyết tâm hơn. Vì thế, sau một thời gian ngắn chị đã am tường kỹ thuật chăn nuôi và quyết định đầu tư mô hình chăn nuôi lợn khùa (còn gọi là lợn bản). Với số tiền hiện có, chị mua 1 con lợn nái và 5 con lợn thịt, sau 4 tháng cho xuất chuồng 4 con lợn thịt thu lãi gần 3,5 triệu đồng.

Công việc ngày càng thuận lợi, chị quyết định mở rộng quy mô và đa dạng hóa loại hình chăn nuôi, bằng việc nhân giống đàn bò lên gần 10 con; và luôn duy trì đàn lợn với số lượng từ 15-20 con. Cùng với việc đầu tư chăn nuôi, gia đình chị Thanh còn tranh thủ làm lúa nương, trồng sắn, trồng ngô, mở rộng gia trại kết hợp trồng thêm chuối, rừng keo, luồng để tăng thêm thu nhập....

Từ mô hình kinh tế tổng hợp, năm 2021 gia đình chị thu được hơn 200 triệu đồng. Có điều kiện về kinh tế, đã giúp gia đình chị Thanh mua sắm thêm nhiều máy móc để phát triển sản xuất, con cái được học hành đầy đủ.

Đẩy lùi tảo hôn

Từ suy nghĩ “mình phải gương mẫu làm trước, làm tốt bà con dân bản mới tin, mới làm theo” trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, chị Thanh luôn là thủ lĩnh đi đầu. Xác định trách nhiệm của mình, chị Thanh đã kiên trì tuyên truyền, vận động bà con ở các bản không sinh con thứ ba, hướng dẫn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không kết hôn sớm, không cho con bỏ học... Đặc biệt là vận động đồng bào DTTS không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

 Hội Liên hiệp Phụ nữ xã có 18 chi hội nằm rải rác trên các sườn núi, chị Thanh giữ vai trò là Phó Chủ tịch Hội. Để đến được một số chi hội, chị Thanh phải băng rừng, lội suối đi bộ nhiều giờ liền. Đôi chân Hồ Thị Thanh đã in dấu khắp mọi nẻo đường rừng. Chị đã đến với bà con của những bản xa xôi nhất như: Lòm, Dộ, Tà Vờng... để tuyên truyền, vận động bà con không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, hướng dẫn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình; công tác vệ sinh môi trường ở thôn bản sạch sẽ, hợp vệ sinh…

Mưa dầm thấm lâu, tỷ lệ sinh con ngoài ý muốn, con thứ ba của bản Hưng và của xã giảm rõ rệt. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Trọng Hóa đã giảm xuống đáng kể, riêng bản Hưng đã chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từ năm 2017 đến nay.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.