Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lai Châu: Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau

Khánh Thư - 09:49, 26/12/2024

Xác định thực hiện an sinh xã hội (ASXH) là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Công tác ASXH được bảo đảm không chỉ thể hiện tính nhân văn sâu sắc, không ai bị bỏ lại phía sau mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác ASXH được bảo đảm không chỉ thể hiện tính nhân văn sâu sắc, không ai bị bỏ lại phía sau mà còn có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. (Trong ảnh: Một góc xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn)
Công tác ASXH được bảo đảm không chỉ thể hiện tính nhân văn sâu sắc, không ai bị bỏ lại phía sau mà còn có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. (Trong ảnh: Một góc xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn)

Bảo đảm ASXH trong lĩnh vực nhà ở

Nhà ở là một trong những chỉ số đo lường tình trạng nghèo đa chiều; đồng thời là một trong những quyền cơ bản của con người được pháp luật quy định. Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án từ ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa, tỉnh Lai Châu đã và đang tập trung giải quyết nhà ở cho các hộ có nhu cầu, nhất là ở những địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Với sự quan tâm đó, đã có hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu bức thiết về nhà ở trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được “an cư” trong những ngôi nhà kiên cố; tạo nền tảng để các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều năm qua, 5 nhân khẩu của gia đình anh Sùng A Cu, dân tộc Mông, ở bản Gia Khâu 1, xã Sùng Phài, TP. Lai Châu sống trong căn nhà tạm bợ, chật hẹp. Được ở trong ngôi nhà kiên cố, rộng rãi thực sự mà một mơ ước rất xa với đối với vợ chồng anh Sùng A Cu; bởi các con còn nhỏ, con đầu chưa được 4 tuổi, con út mới vài tháng tuổi.

Giai đoạn 2019 – 2024, các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ trên 1.000 hộ nghèo làm nhà ở; giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động DTTS.

Niềm vui bất ngờ đến vào đầu năm 2024, vợ chồng anh được xét duyệt hỗ trợ xây nhà ở “Đại đoàn kết”. Từ 50 triệu đồng do Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu hỗ trợ, thêm 30 triệu đồng do gia đình tích lũy và vay mượn thêm, anh Sùng A Cu đã có căn nhà mới khang trang.

“Nhiều năm qua gia đình em phải ở trong ngôi nhà dột nát, tạm bợ, không dám nghĩ tới sẽ có ngày được ở trong ngôi nhà khang trang, kiên cố như thế này. Giờ đây gia đình không còn phải lo lắng mỗi khi mưa to, gió lớn nữa và yên tâm lao động sản xuất”, anh Sùng A Cu phấn khởi cho biết.

Cùng chung niềm vui là anh Chảo Khé Phin, dân tộc Dao, ở bản Nậm Chà, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn. Được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và tiền gia đình đối ứng, anh Phin đã có được ngôi nhà kiên cố mà gia đình mơ ước bao năm nay.

“Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ kinh phí làm nhà mới. Có nhà mới rồi, tôi sẽ tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế và cho con học hành đầy đủ, sớm thoát được nghèo”, anh Phin xúc động chia sẻ.

Gia đình anh Chảo Khé Phin là một trong 4.848 hộ được hỗ trợ nhà ở từ vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Còn gia đình anh Sùng A Cu ở bản Gia Khâu 1 là một trong hàng trăm hộ được hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn xã hội hóa do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu phát động.

Hộ nghèo ở bản Nậm Chà, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn được hỗ trợ nhà “Đại đoàn kết”.
Hộ nghèo ở bản Nậm Chà, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn được hỗ trợ nhà “Đại đoàn kết”

Số liệu thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu cho thấy, trong giai đoạn 2019 - 2024, Mặt trận các cấp của tỉnh đã vận động được hơn 37,5 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động được, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 798 nhà, sửa chữa 31 nhà Đại đoàn kết.

Theo ông Sùng A Hồ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu, chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là nét đẹp văn hóa, mang đậm tính nhân văn và được cộng đồng xã hội hưởng ứng tích cực, là chính sách ASXH rất thiết thực. Những ngôi nhà đại đoàn kết đã giúp cho các gia đình hộ khó khăn trên địa bàn tỉnh an cư, từ đó yên tâm lao động, sản xuất, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Cùng với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lai Châu được phân bổ hơn 4.800 tỷ đồng để triển khai 10/10 dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Từ nguồn vốn này, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, tỉnh Lai Châu đã tập trung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đầu tư mô hình sinh kế, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đồng bào vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Việc triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 đã góp phần để Lai Châu trở thành địa phương có tốc độ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS cao, vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 3%.

Để bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tỉnh Lai Châu quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động người DTTS. (Trong ảnh: Lớp Truyền dạy kỹ thuật may trang phục truyền thống dân tộc Giáy, xã San Thàng, TP. Lai Châu)
Để bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tỉnh Lai Châu quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động người DTTS. (Trong ảnh: Lớp Truyền dạy kỹ thuật may trang phục truyền thống dân tộc Giáy, xã San Thàng, TP. Lai Châu)

Đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, mục tiêu cả giai đoạn với tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4,09%/năm, riêng các huyện nghèo giảm bình quân 5,49%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92% và 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhu cầu được hỗ trợ nhà ở.

Theo ông Trần Đỗ Công - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Lai Châu, thời gian qua, để giảm nghèo bền vững, cùng với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thì tỉnh chú trọng triển khai công tác bảo đảm ASXH.

Các chính sách ASXH đã góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo của tỉnh Lai Châu. Năm 2019, toàn tỉnh có 66 xã, 696 bản đặc biệt khó khăn, đến năm 2024 giảm còn 54 xã và 557 bản đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2019 – 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình đạt 3,93%/năm.

Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các đối tượng yếu thế; bởi với những trường hợp này, chỉ cần xảy ra một biến cố trong cuộc sống thì hành trình thoát nghèo sẽ vô vàn khó khăn, thậm chí là đã thoát nghèo nhưng sẽ tái nghèo. Đây là những đối tượng cần được triển khai chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) kịp thời.

Số liệu của Sở LĐTB&XH tỉnh Lai Châu cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 16.000 người thuộc diện BTXH. Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, trung bình mỗi năm, số tiền hỗ trợ tết cho các đối tượng BTXH trên địa bàn tỉnh là 4 - 5 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ này đã giúp các trường hợp yếu thế bớt đi phần nào khó khăn, thiệt thòi, đón những mùa xuân đủ đầy, ấm cúng hơn.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lai Châu, ông Trần Đỗ Công, công tác bảo đảm ASXH được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu được triển khai thường xuyên; trong đó đặc biệt quan tâm đến những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khó có điều kiện để vươn lên nếu thiếu đi sự giúp đỡ của cộng đồng.

Như trường hợp chị Vàng Thị Pánh, ở bản Màng, phường Quyết Thắng, TP. Lai Châu. Năm hơn 10 tuổi, chị Pánh bị một cơn tai biến nặng ảnh hưởng tới cơ xương. Đã 30 năm nay, chị chỉ có thể đứng và nằm, không thể ngồi hay cúi xuống vì các cơ không thể đàn hồi.

Công tác bảo đảm ASXH được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu được triển khai thường xuyên; trong đó đặc biệt quan tâm đến những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. (Trong ảnh: Cấp ủy, chính quyền phường Quyết Thắng thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡn chị Vàng Thị Pánh ở bản Màng)
Công tác bảo đảm ASXH được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu được triển khai thường xuyên; trong đó đặc biệt quan tâm đến những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. (Trong ảnh: Cấp ủy, chính quyền phường Quyết Thắng thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ chị Vàng Thị Pánh ở bản Màng)

Trước hoàn cảnh đó, chính sách bảo trợ xã hội của chị Pánh được phường Quyết Thắng chi trả kịp thời. Ngoài ra, chị Pánh thuộc hộ nghèo nên còn được hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền, tạo điều kiện tham gia lớp chăn nuôi gà, con giống để duy trì chăn nuôi.

Không những vây, chính quyền phường Quyết Thắng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với chị Pánh. Mỗi khi chị cần, cán bộ phường, đoàn thanh niên, ban lãnh đạo bản lại đến động viên, thăm hỏi, giúp đỡ những việc như: Làm chuồng trại chăn nuôi, sửa sang nhà; mỗi đợt cứu đói giáp hạt hoặc có các nhà hảo tâm ủng hộ quà tết, phường đều ưu tiên chị.

Cũng như chị Pánh, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã và đang có hàng nghìn đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được quan tâm, chăm lo thường xuyên. Công tác ASXH được bảo đảm không chỉ thể hiện tính nhân văn sâu sắc, không ai bị bỏl ại phía sau mà còn có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Là một tỉnh biên giới, Lai Châu có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội phát triển còn chậm. Với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 85%, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn… Do vậy, tỉnh Lai Châu luôn xác định an sinh xã hội tại địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được toàn hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, đoàn thể đặc biệt quan tâm.

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.