Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lai Châu: Huyện biên giới Mường Tè đoàn kết giao lưu, hợp tác đối ngoại để cùng phát triển

Phương Ly - 10:33, 21/12/2024

Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, Mường Tè có 6 xã biên giới, giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có 130,292km đường biên. Những năm qua, huyện Mường Tè luôn quan tâm, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trong phát triển kinh tế, văn hóa với các huyện Lục Xuân, Kim Bình thuộc Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); huyện Mường Mày, tỉnh Phông Xa Lỳ (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào). Từ đó, thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa địa phương trong và ngoài nước, cùng phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của mỗi dân tộc, địa phương, làm phong phú hơn giá trị văn hóa tinh hoa của nhân loại.

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024 tại huyện Mường Tè có sự tham gia giao lưu biểu diễn của các diễn viên đến từ huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024 tại huyện Mường Tè có sự tham gia giao lưu biểu diễn của các diễn viên đến từ huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

Cuối tháng 11/2024, huyện Mường Tè tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024 với chủ đề “Mường Tè khát vọng vươn xa”, với nhiều nội dung hấp dẫn như: Thi văn nghệ quần chúng; Diễu hành đường phố; Lễ hội ẩm thực và thi đấu các môn thể thao dân tộc. 

Đây là hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh các giá trị di sản văn hóa góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Điểm nhấn của Ngày hội, là chương trình văn nghệ đậm sắc màu của 10 dân tộc chung sống trên địa bàn huyện. Trong đó, có những bản sắc văn hóa riêng biệt, những làn điệu dân ca và trang phục đặc trưng riêng tạo nên một Mường Tè đậm nét văn hóa. Đặc biệt, Ngày hội còn có sự tham gia giao lưu biểu diễn của các diễn viên đến từ huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào).

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè nhấn mạnh: Thông qua các hoạt động của Ngày hội, đã tạo ra một không gian văn hóa đặc biệt vô cùng ý nghĩa để các chủ thể văn hóa, nghệ nhân, diễn viên của huyện Mường Tè với các huyện Kim Bình, Mường Mày có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024 tại huyện Mường Tè có sự tham gia huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào).
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024 tại huyện Mường Tè có sự tham gia huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào)

Duy trì mối quan hệ hữu nghị lâu đời

Trong khuôn khổ của Ngày hội, đã diễn ra các hoạt động Hội đàm giữa huyện Mường Tè với huyện Lục Xuân (Trung Quốc), huyện Mường Mày (Lào). Tại các buổi hội đàm, lãnh đạo các bên khẳng định kết quả mối quan hệ hợp tác hữu nghị trong thời gian qua, trong đó có nhiều nét văn hóa tương đồng và mối quan hệ hữu nghị lâu đời.

Các bên chủ động phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa, thể thao; công tác quản lý biên giới được tăng cường, phối hợp ủng hộ nhau trong việc triển khai các công trình biên giới của các địa phương. Thời gian tới, các bên cũng đã mong muốn, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác hữu nghị trên tất cả các lĩnh vực nhất là tăng cường hợp tác giao lưu văn hóa, kinh tế; thắt chặt hơn tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển.

Ông Phon Thạ Vi Xay Môn Ti, Bí thư Huyện ủy, Huyện trưởng huyện Mường Mày, tỉnh Phông Sa Lỳ (Lào) cho biết: “Đây là lần thứ 9, huyện Mường Mày và Mường Tè tổ chức hội đàm. Qua mỗi lần, chúng tôi đều đánh giá kết quả đạt được; đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong đó chú trọng vào việc tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa. Mỗi năm, chúng tôi đều cử đoàn sang giao lưu văn hóa tại Mường Tè để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa ở mỗi địa phương; thắt chặt hơn tinh thần đoàn kết dân tộc giữa 2 quốc gia”.

Ngày hội góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Mường Tè với các huyện Kim Bình, Lục Xuân (Trung Quốc) và Mường Mày (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào)Lào.
Ngày hội góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Mường Tè với các huyện Kim Bình, Lục Xuân (Trung Quốc) và Mường Mày (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào)

Ngoài ra, huyện Mường Tè còn thường niên tham gia Lễ hội Ném còn giữa ba nước Việt – Lào – Trung được tổ chức 2 năm/lần. Đây là sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa lớn nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác, đối ngoại giữa các huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), thành phố Điện Biên, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) - Việt Nam; huyện Nhọt U, tỉnh Phông Sa Lỳ - Lào; huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.

Lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc của các địa phương trong khu vực biên giới 3 nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa Đảng, chính quyền, Nhân dân khu vực biên giới.

Giao lưu, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống 

Ông Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè cho biết: “Với đặc thù của huyện biên giới, việc giao lưu về văn hóa, nghệ thuật giữa Nhân dân hai bên biên giới luôn được duy trì và ngày càng phát triển. Các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hoá DTTS luôn được quan tâm như: Giới thiệu về trang phục, các sản phẩm văn hóa đặc sắc của huyện, tổ chức các hoạt động biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao tại huyện Giang Thành, huyện Kim Bình, Lục Xuân (Trung Quốc), huyện Mường Mày (Lào). Tổ chức Lễ hội ném Còn 3 nước Việt - Lào - Trung lần thứ VI tại huyện Mường Tè.

Qua những hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ đã giúp quảng bá hình ảnh đặc sắc về văn hóa, con người Mường Tè nói riêng và văn hóa con người Lai Châu, con người Việt Nam đến bạn bè trong và ngoài nước”.

Lãnh đạo 2 huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu, Việt Nam) và huyện Mường Mày (tỉnh Phông Sa Lỳ, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) ký kết biên bản Hội đàm lần thứ 9
Lãnh đạo 2 huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu, Việt Nam) và huyện Mường Mày (tỉnh Phông Sa Lỳ, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) ký kết biên bản Hội đàm lần thứ 9

Hằng năm, huyện Mường Tè xây dựng kế hoạch tuyên truyền công tác thông tin đối ngoại; biển, đảo và công tác biên giới trên đất liền; chỉ đạo, định hướng tuyên truyền gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong tuyên truyền, đảm bảo thông tin nhanh chóng, chính xác, đấu tranh có hiệu quả với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tạo niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. 

Duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các huyện Giang Thành, huyện Kim Bình, Lục Xuân (Trung Quốc), huyện Mường Mày (Lào); các tổ chức nước ngoài; các đoàn khách nước ngoài đến công tác tại huyện, các đoàn cán bộ của huyện Mường Tè đi học tập, nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài. 

Hợp tác cùng phát triển

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tuần tra song phương biên giới, bảo vệ đường biên, mốc giới; tăng cường quản lý biên giới, nhất là hoạt động xuất nhập cảnh, kiên quyết ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép. Gắn thông tin đối ngoại với đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch, giúp cho các nước hiểu rõ hơn về tình hình của Việt Nam, nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Các xã, thị trấn giáp biên giới, các cụm bản và lực lượng bảo vệ biên giới hai bên giao ban 2 lần/năm để đánh giá kết quả thực hiện các nội dung ký kết hợp tác về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng khu vực biên giới; ngăn chặn các hành vi đốt nương làm rẫy, khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Qua đó, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định, bảo đảm vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Hội đàm giữa huyện Mường Tè (Việt Nam) và huyện Lục Xuân (Trung Quốc).
Hội đàm giữa huyện Mường Tè (Việt Nam) và huyện Lục Xuân (Trung Quốc)

Chủ tịch UBND xã Thu Lũm, huyện Mường Tè - Phùng Lòng Cà cho hay: Xã có gần 500 hộ, với 2.570 nhân khẩu, gồm có dân tộc Hà Nhì, La Hủ và Dao sinh sống tại 9 bản, trong đó nhiều bản giáp biên giới Trung Quốc. Vì thế, mỗi năm, xã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm pháp luật, chỉ đạo lực lượng công an viên kịp thời nắm bắt tình hình để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật... 

Xã cũng tích cực phối hợp với Đồn Biên phòng Thu Lũm tổ chức triển khai tuyên truyền 3 văn kiện về biên giới đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc; tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân về tác hại của ma túy, pháo nổ và các tệ nạn xã hội khác.

Để thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới, huyện Mường Tè tiếp tục triển khai cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác đối ngoại Việt – Lào; Việt - Trung; nội dung hội đàm giữa các huyện Mường Tè với huyện Lục Xuân (Trung Quốc), huyện Mường Mày (Lào). 

Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và Nhân dân sang buôn bán, trao đổi hàng hóa, hợp tác đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định biên giới. Bên cạnh đó, huyện sẽ tổ chức các đoàn công tác đến tham quan, học tập kinh nghiệm; phối hợp chặt chẽ với các huyện trên khu vực biên giới tăng cường trao đổi thông tin; quản lý, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, giữ vững chủ quyền, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.