Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xây dựng vùng biên Phong Thổ phát triển hòa bình

Phương Ly - 15:23, 18/12/2024

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu với 97,229km đường biên giới tiếp giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Toàn huyện có 17 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã biên giới với 170 thôn, bản, tổ dân phố; trên 17.000 hộ dân, gần 84.000 nhân khẩu, 10 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm khoảng 93%. Với đặc điểm này, những năm qua, tỉnh Lai Châu nói chung, huyện Phong Thổ nói riêng luôn chú trọng việc “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”; xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã có 4 cặp thôn bản kết nghĩa hữu nghị.
Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã có 4 cặp thôn bản kết nghĩa hữu nghị

Giúp nhau cùng phát triển

Tháng 11 năm 2023, bản Ma Ly Pho, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Việt Nam) đã kết nghĩa với bản Bạch Thạch Nham, thị trấn Kim Thủy Hà, Huyện ủy Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Việc kết nghĩa giữa 2 bên nhằm tăng cường, vun đắp tình đoàn kết hữu nghĩa truyền thống hai bản để cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng, các hoạt động văn hóa, ẩm thực truyền thống.

Chị Lù Thị Vân, bản Ma Li Pho, xã Ma Li Pho chia sẻ: Gia đình tôi sinh sống ở khu vực biên giới, thường hay qua lại bên Trung Quốc để giao thương hàng hóa. Khi sang Trung Quốc phải có giấy thông hành, chấp hành tốt các quy định, không tự ý qua biên giới làm thuê. Khi biết tin bản Ma Li Pho kết nghĩa với bản Bạch Thạch Nham, tôi rất vui. Tôi mong muốn 2 bản thường xuyên được giao lưu văn hóa, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Bản Ma Ly Pho có 60 hộ dân, với khoảng 280 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Người dân bản Ma Ly Pho luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Khi có chủ trương kết nghĩa bản - bản ở khu vực biên giới, cuối năm 2023 bản Ma Li Pho của Việt Nam và bản Bạch Thạch Nham đã kí kết hợp tác lâu dài: 2 bên chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế; tích cực tuyên truyền người dân không xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống tội phạm mua bán người, giữ gìn vùng biên hòa bình, ổn định, cùng phát triển.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng hướng dẫn người dân vùng biên giới canh tác cây sắn tại vùng giáp ranh với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng hướng dẫn người dân vùng biên giới canh tác cây sắn tại vùng giáp ranh với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Là một trong những hộ sinh sống ở khu vực biên giới, những năm qua gia đình chị Tẩn Thị Tết ở bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho đã cải tạo đất đồi hoang hóa, cây tạp sang phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất kết hợp giữa nông - lâm nghiệp và chăn nuôi. Nhờ tập trung đầu tư, chăm sóc gần 2ha cây cao su, 3.000m2 đất trồng lúa, chăn nuôi gà, lợn và trồng các loại cây ăn quả có giá trị, mỗi năm gia đình chị cũng có thu nhập hơn 100 triệu đồng. 

Chị Tết chia sẻ: Nhà tôi gần khu vực biên giới, nhiều năm nay, tôi được người quen bên huyện Kim Bình sang thăm và hướng dẫn cách chăm sóc, phòng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai để trồng chuối, sắn theo hướng hàng hóa. Nhờ đó kinh tế ngày càng phát triển và tôi luôn chấp hành pháp luật, giữ gìn, bảo vệ biên giới quốc gia bình yên để người dân hai bên cùng phát triển.

Bà con bản Sơn Bình, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ phát triển kinh tế chăn nuôi.
Bà con bản Sơn Bình, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ phát triển kinh tế chăn nuôi

Ông Trần Bảo Trung, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, cho biết: Hiện nay, huyện Phong Thổ và huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã có 4 cặp thôn bản kết nghĩa hữu nghị. Hoạt động kết nghĩa nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết gắn bó dân tộc, thân tộc của Nhân dân hai bên biên giới. 

"Đặc biệt, thông qua các nội dung kết nghĩa, Nhân dân 2 bên biên giới tích cực hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng tình cảm, ý thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ đường biên giới chung giữa 2 nước, góp phần quan trọng xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững", ông Trung cho hay.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng tuyên truyền nội dung kết nghĩa hữu nghị giữa bản Ma Ly Pho, xã Ma Li Pho kết nghĩa với bản Bạch Thạch Nham, thị trấn Kim Thủy Hà.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng tuyên truyền nội dung kết nghĩa hữu nghị giữa bản Ma Ly Pho, xã Ma Li Pho kết nghĩa với bản Bạch Thạch Nham, thị trấn Kim Thủy Hà

Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hỗ trợ người dân, tại các xã kết nghĩa, UBND huyện cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện giảm nghèo, tập trung vào các nội dung: Giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm các xã đặc biệt khó khăn. 

UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, nhất là triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, làm nhà ở, hỗ trợ sản xuất. Thường xuyên tổ chức cho các đoàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, tổ chức sơ kết công tác phối hợp kết nghĩa giữa các bản, địa phương.

Được biết, hình thức hỗ trợ cho người dân phong phú, có thể kể đến việc 375 hộ tại các xã: Ma Li Pho, Huổi Luông, Mường So, Khổng Lào được huyện hỗ trợ phát triển sản xuất dong riềng, khoai sọ theo chuỗi giá trị (từ Chương trình nông thôn mới), với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng; 1.902 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ cây giống (dong riềng, khoai sọ, cây ăn quả), máy cày bừa mi ni theo Chương trình giảm nghèo bền vững, với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng.

Cán bộ biên phòng và Nhân dân biên giới xã Ma Li Phong, huyện Phong Thổ thường xuyên tuần tra, canh gác, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Cán bộ biên phòng và Nhân dân biên giới xã Ma Li Phong, huyện Phong Thổ thường xuyên tuần tra, canh gác, bảo vệ đường biên, cột mốc

Ông Tẩn Chỉn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ma Li Pho, cho biết: Với lợi thế có Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, rất thuận lợi để phát triển kinh doanh dịch vụ - thương mại, do đó xã đã tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án của tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa gắn với kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2021-2025. 

Đồng thời, vận động Nhân dân thâm canh tăng từ 1 vụ lên 2 vụ; khuyến khích mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, nông sản gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn xã cũng có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, hàng tạp hóa, sản xuất gạch không nung, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. 

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng cùng lãnh đạo xã Ma Li Pho trò chuyện nắm tình hình tư tưởng Nhân dân khu vực biên giới .
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng cùng lãnh đạo xã Ma Li Pho trò chuyện nắm tình hình tư tưởng Nhân dân khu vực biên giới

Xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị, phát triển cùng có lợi

Với chiều dài đường biên giới dài hơn 97km, để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia, cấp uỷ, chính quyền các cấp huyện Phong Thổ luôn phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng chức năng như: Công an, quân sự, biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc. 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng tham gia quản lý đường biên mốc giới, bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị, phát triển cùng có lợi với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Có thể thấy, bằng nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, đến nay huyện vùng biên Phong Thổ đã có sự chuyển biến rõ nét, các lĩnh vực đều khởi sắc hơn. Hệ thống chính trị được củng cố vững chắc; Chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, an ninh trật tự trên địa bàn được bảo đảm; văn hoá, xã hội không ngừng được nâng cao.

Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện Phong Thổ tuần tra địa bàn biên giới
Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện Phong Thổ tuần tra địa bàn biên giới

Chính những điều này, đã giúp cho đời sống người dân ổn định; thu nhập bình quân đầu người của huyện năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 43,8%, thì đến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 37,9%. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 32,5% và phấn đấu đến năm 2025 giảm còn 27%.

Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa huyện Phong Thổ với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, phòng chống tội phạm, quản lý đường biên mốc giới, giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Từ đó, góp phần ổn định vùng biên, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.