Số hộ tái nghèo, hộ nghèo mới còn cao
Năm 2020, hộ gia đình anh Chẻo Láo Tả, dân tộc Dao, ở xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ được xét công nhận thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Theo anh Tả, trước đây còn đi làm thuê, cũng có thu nhập và tích cóp được một khoản tiền về làm nhà. Nhưng nhà làm chưa hoàn thiện thì cũng hết tiền, nên đành ở tạm, đợi khi nào có điều kiện thì làm tiếp.
“Bây giờ dịch bệnh nên cũng không đi làm thuê được, cả gia đình giờ chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp, nhưng đất đai ít quá, ruộng chỉ gặt được 5 bao thóc, ngô thì cũng chỉ được 8 bao. Vất vả lắm, nhưng cũng không đủ ăn được”, anh Tả chia sẻ.
Vàng Ma Chải, là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ. Giai đoạn 2016 - 2020, địa phương này cũng được hưởng đầy đủ các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình 30a, 135, xây dựng NTM...
Đặc biệt, để hỗ trợ người dân thoát nghèo, các chương trình đã cung cấp giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất này chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, chưa có yếu tố sản xuất hàng hóa. Do vậy, thu nhập của đồng bào chưa được cải thiện là bao, khiến cuộc sống vẫn đối diện với nhiều khó khăn.
“Ở đây, bà con chủ yếu vẫn sản xuất theo hướng tự cung tự cấp chứ việc sản xuất hàng hóa hầu như chưa có. Trước năm 2015, việc thống kê, điều tra hộ nghèo chủ yếu theo cách bà con tự bình xét. Bây giờ điều tra hộ nghèo theo phiếu, qua thực tế điều tra thì hàng năm hộ nghèo đều không giảm, nhiều hộ tái nghèo lại”, ông Phàn Chin Màn, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải cho biết.
Với phương châm “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, cũng như các địa phương đặc biệt khó khăn khác, huyện Phong Thổ đã lồng ghép xen kẽ các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ này còn mang tính nhỏ lẻ, dàn trải trong cả giai đoạn, định mức hỗ trợ thấp, khiến các hộ nghèo không đủ nguồn vốn để gây dựng mô hình. Năm 2020, Phong Thổ không đạt chỉ tiêu giảm nghèo được giao. Toàn huyện có 20 hộ tái nghèo, 348 hộ nghèo phát sinh; tái cận nghèo có 64 hộ và 1.018 hộ cận nghèo phát sinh.
Đâu là nguyên nhân
Thực trạng về số hộ tái nghèo, hộ nghèo mới phát sinh không chỉ ở huyện Phong Thổ, mà còn ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Lai Châu, năm 2020, toàn tỉnh có 179 hộ tái nghèo, 1.078 hộ nghèo phát sinh mới. Con số này năm 2019, là 236 hộ tái nghèo và 906 hộ nghèo phát sinh mới.
Ông Trần Đỗ Công, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lai Châu cho biết: Đa số những hộ mới thoát nghèo có điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn, khi gặp những biến cố trong cuộc sống; hoặc thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến lao động, sản xuất, thu nhập dễ tái nghèo trở lại. Ngoài ra, do địa hình chia cắt phức tạp; đất sản xuất ít; hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ; khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp... ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện công tác giảm nghèo của địa phương.
Bên cạnh đó, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều hộ gia đình có lao động bị mất việc làm, sản xuất bị đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập và lâm vào cảnh nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh cao, đối tượng hỗ trợ lớn, trong khi ngân sách hỗ trợ còn hạn hẹp, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế đặt ra
“Số hộ nghèo chủ yếu là các hộ đồng bào DTTS sống ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, tập quán canh tác lạc hậu.Trong khi đó, ý thức tự vươn lên thoát nghèo còn thấp; vẫn còn hộ dân có tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước...”, ông Công nhấn mạnh.
Cũng theo ông Công, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo. Tăng cường vai trò của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi nhận thức, phương thức phát triển kinh tế, thoát nghèo; Tăng cường công tác xã hội hóa hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo.
Ngoài nguồn vốn từ các chương trình, dự án do Trung ương cấp, tỉnh cũng bố trí một phần ngân sách địa phương, đồng thời tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nguồn vốn tài trợ quốc tế... để thực hiện công tác giảm nghèo.