Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lai Châu: Khôi phục, bảo tồn phát huy nét đẹp văn hóa dân gian 2 dân tộc Si La và Mảng

Ngọc Ánh - 14:10, 06/04/2024

Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian dân tộc Si La tại huyện Mường Tè và dân tộc Mảng tại huyện Nậm Nhùn năm 2024.

Trình diễn trang phục đi chơi tết và trang phục cô dâu chú rể người Si La. Ảnh TL
Trình diễn trang phục đi chơi tết và trang phục cô dâu chú rể người Si La. Ảnh TL

Dân tộc dân tộc Si La và dân tộc Mảng là hai trong cộng đồng 20 dân tộc của tỉnh Lai Châu, sinh sống tập trung ở huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Mường Lay. Đây là hai trong số những dân tộc có dân số dưới 10.000 người được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Dù sống chung với các dân tộc đa số khác trên địa bàn, người Mảng và người Si La vẫn giữ được bản sắc văn hoá riêng, rất phong phú và đặc sắc.

Đối với người Si La sinh sống chủ yếu ở huyện Mường Tè, trong diễn xướng dân gian có nhiều điệu hát như hát dân ca, hát đối, giao duyên, hát ru, đám cưới, đám ma, chúc mừng, hát vào mùa cầu mùa, hát về huyền thoại đá thần, hát nguồn gốc dân tộc Si La. Người Si La có nền âm nhạc truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc với các đạo cụ chủ yếu làm từ tre, nứa, gỗ rừng được chế tác thủ công, đơn giản nhưng có âm hưởng riêng, tạo ấn tượng với người nghe.

Nghệ nhân ưu tú Hù Cố Xuân trình diễn hát ru và kể chuyện Cội nguồn Si La, sự ra đời của dòng họ Hù.
Nghệ nhân ưu tú Hù Cố Xuân trình diễn hát ru và kể chuyện Cội nguồn Si La, sự ra đời của dòng họ Hù. Ảnh TL

Người Si La thường hát giao duyên, đối đáp giữa nam nữ thanh niên trong lao động sản xuất, trong lúc hội hè hay trong đêm khuya thanh vắng với lời ca mộc mạc, lối ví von giản dị, dễ hiểu nhưng giàu sự biểu cảm, dễ rung động lòng người.

Các điệu múa của người Si La được biểu diễn vào các ngày hội, lễ, Tết, thường kèm theo các nhạc cụ như sáo, đàn bầu, đàn môi, đàn nhị. Người Si La còn có một số điệu múa xòe, múa sạp được tổ chức vào dịp lễ hội, múa cầu mùa, múa trình diễn trang phục, các động tác múa thường mô phỏng các hiện tượng trong thiên nhiên, trong đời sống và lao động sản xuất.

Hiện nay, đồng bào Si La ít có điều kiện tổ chức sinh hoạt vui chơi, giải trí, văn nghệ, do đó các làn điệu dân ca, dân vũ đang dần bị mai một, các điệu múa hát, giao duyên, trò chơi tập thể đang dần bị thay thế bởi âm nhạc hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể được lưu truyền, nuôi dưỡng từ bao đời nay chỉ còn trong trí nhớ, tiềm thức của những người cao tuổi.

Tiết mục múa ""Nhăm nhăm bơ" của dân tộc Si La
Tiết mục múa "Nhăm nhăm bơ" của dân tộc Si La

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Si La trước nguy cơ mai một, thất truyền, nhiều năm qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã phối hợp với UBND huyện Mường Tè tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể dân tộc Si La, hỗ trợ để đồng bào Si La tham gia giao lưu các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Các lớp truyền dạy văn nghệ, văn học nghệ thuật dân gian, các chương trình phục dựng lễ hội được tổ chức đã thu hút đông đảo người trẻ dân tộc Si La tham gia. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy chỉ cần tình yêu văn hoá dân gian và lòng tự hào dân tộc của người dân được khơi dậy, văn hoá dân tộc Si La sẽ luôn được gìn giữ và phát huy trong tương lai.

Trình diễn nghi lễ Mừng cơm mới của người Si La do nghệ nhân Bờ Chà Nhau cùng các diễn viên bản Sì Thâu Chải thể hiện.
Trình diễn nghi lễ Mừng cơm mới của người Si La do nghệ nhân Bờ Chà Nhau cùng các diễn viên bản Sì Thâu Chải thể hiện. Ảnh TL

Chương trình biểu diễn nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian dân tộc Si La tại huyện Mường Tè năm 2024 được tổ chức tại xã Can Hồ cuối tháng 4 vừa qua nhằm thực hiện có hiệu quả việc khôi phục, bảo tồn, phát huy, quảng bá các giá trị văn hoá, văn nghệ dân gian truyền thống dân tộc Mảng, dân tộc Si La. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng dân tộc Mảng, dân tộc Si La được biểu diễn, thể hiện những lời ca, tiếng hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhằm khơi dậy nét đẹp văn hóa dân gian dân tộc. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng dân tộc Si La gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, cùng nhau thể hiện những lời ca, tiếng hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tiết mục múa ""Châu la dỉ" (Đi hái rau) của Đội văn nghệ quần chúng dân tộc Mảng, xã Nậm Pì.
Tiết mục múa "Châu la dỉ" (Đi hái rau) của Đội văn nghệ quần chúng dân tộc Mảng, xã Nậm Pì. Ảnh TL

Còn đối với dân tộc Mảng ở Lai Châu có dân số rất thấp, chỉ hơn 5.600 người, chiếm 1,26% dân số toàn tỉnh. Dù sống chung với các dân tộc đa số khác trên địa bàn, đồng bào vẫn có một bản sắc văn hoá riêng, rất phong phú và đặc sắc. Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Mảng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu phối hợp với huyện Nậm Nhùn tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian dân tộc Mảng tại xã Trung Chải. Chương trình biểu diễn có sự tham gia của hai đội văn nghệ đến từ 2 xã Nậm Pì và Trung Chải, gồm các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu, đặc sắc nhất như hát "xỏong", múa khăn, múa giã gạo, múa hái rau, thổi sáo dài "lỏm lọm".

Nghệ nhân Tào Me Tướng của Đội văn nghệ quần chúng xã Trung Chải với tiết mục hát dân ca ca ngợi quê hương đất nước. Ảnh TL
Nghệ nhân Tào Me Tướng của Đội văn nghệ quần chúng xã Trung Chải với tiết mục hát dân ca ca ngợi quê hương đất nước. Ảnh TL

Tại chương trình, các nghệ nhân, diễn viên còn trình diễn trang phục truyền thống và tái hiện các nghi thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng đặc sắc của người Mảng như Lễ mừng cơm mới, lễ đón dâu.

Độc tấu sáo ""Tiếng sáo đưa tình", do nghệ nhân Lý Thị Siến, dân tộc Mảng đến từ xã Nậm Pì biểu diễn
Độc tấu sáo "Tiếng sáo đưa tình", do nghệ nhân Lý Thị Siến, dân tộc Mảng đến từ xã Nậm Pì biểu diễn
Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.