Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Lai Châu: Gìn giữ văn hoá truyền thống đồng bào dân tộc Si La

Minh Thu - 08:26, 27/12/2023

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là triển khai Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), những nét văn hoá truyền thống độc đáo của người Si La tại Lai Châu đã và đang được bảo tồn hiệu quả, góp phần tạo nên bức tranh văn hoá đa sắc màu trên mảnh đất biên cương của Tổ quốc.

Trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Si La
Trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Si La

Si La là một trong 16 dân tộc rất ít người (dưới 10.000 người), sinh sống tập trung tại 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Trong đó nhiều nhất là tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Người Si La có tín ngưỡng và các lễ hội song hành cùng nhau, mang tính cộng đồng, tạo nên sắc thái độc đáo và phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc và ẩn chứa giá trị nhân văn sâu sắc. Trong tín ngưỡng văn hóa của người Si La, không thể không nhắc đến các tập tục như: Thờ cúng tổ tiên, Tết năm mới, Lễ cơm mới, Lễ bìa khớ (cúng bản), Lễ cá si ta (gieo hạt tượng trưng)… Trong đó, Lễ cúng bản là lễ cúng quan trọng nhất trong năm, được đồng bào tổ chức trước các vụ sản xuất để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt; mong cả bản không ốm đau, bệnh tật, lợn gà không bị thú rừng bắt trong năm…

Cũng như các dân tộc khác, trang phục của người phụ nữ Si La cũng mang nét đẹp riêng và nổi bật. Đồng bào trồng cây bông vải lấy sợi se thành chỉ rồi nhuộm theo cách truyền thống để tạo sắc màu tự nhiên, sau đó, dệt nên những bộ trang phục của mình. Nhằm tô thêm vẻ đẹp cho váy, áo, các thiếu nữ Si La sử dụng những chuỗi hạt cườm nhiều màu sắc, vòng trang sức gắn bạc, đồng... thân áo, váy và ống tay áo trang trí hoa văn theo bố cục hình học.

Trước kia, người Si La quen sống du canh, du cư, cuộc sống cách biệt với bên ngoài. Đồng bào sống phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên và nương rẫy, sản xuất tự cung tự cấp. Điều kiện sống khó khăn, không được hưởng thụ các dịch vụ y tế, xã hội, cộng với hủ tục xưa cũ khiến đồng bào Si La nằm trong nguy cơ cao về suy thoái giống nòi. Bên cạnh đó, người Si La không có chữ viết riêng nên việc lưu truyền kho tàng văn học dân gian của dân tộc chủ yếu là truyền miệng qua các thế hệ.

Văn nghệ trong Lễ Mừng cơm mới của đồng bào Si La
Văn nghệ trong Lễ Mừng cơm mới của đồng bào Si La

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đồng bào Si La từng bước phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, phát huy và giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Theo đó, để bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc, tỉnh Lai Châu đã phân bổ 72,8 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp và gần 140 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn cho lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG 1719, giai đoạn I: 2021- 2025, tỉnh đã huy động được 57,5 tỷ đồng để đầu tư, phát triển cho lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Từ nguồn vốn hỗ trợ, Lai Châu đã chú trọng triển khai hiệu quả các CLB bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học, 100% các nhà trường duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng không gian văn hóa các dân tộc tiêu biểu, 45 trường học thành lập các CLB bảo tồn văn hoá các dân tộc.

Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Lai Châu đã tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể dân tộc Si La như phục dựng các loại hình văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền; biên soạn, dịch thuật, phân loại lưu giữ ngữ văn truyền miệng, tri thức dân gian; hỗ trợ kinh phí để đồng bào Si La tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Qua đó, góp phần để cộng đồng người Si La phát huy vai trò chủ thể, là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp phù hợp với tiến trình phát triển trong xã hội hiện đại.

Cùng với đó, Lai Châu cũng tổ chức hàng chục lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc; phục dựng, bảo tồn 16 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc và duy trì thường niên 40 lễ hội hằng năm, trong đó có Lễ mừng cơm mới của người Si La…

 Nghệ nhân cao niên truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ người Si La
Nghệ nhân cao niên truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ người Si La

Huyện Mường Tè hiện có gần 130 hộ với hơn 550 nhân khẩu người dân tộc Si La sinh sống tập trung ở các bản Seo Hai, Sì Thâu Chải của xã Can Hồ. Trong thời gian qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã Can Hồ đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, khôi phục lễ hội của người Si La, nhờ đó người Si La đã nâng cao ý thức gìn giữ các nét đặc sắc trong văn hoá của dân tộc mình. Hiện nay, xã Can Hồ đang tập trung phục hồi và bảo tồn những điệu múa, những bài dân ca của dân tộc Si La bằng việc duy trì tập luyện tại các đội văn nghệ của xã.

Chị Hù Cố De, dân tộc Si La ở xã Can Hồ cho biết: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư hỗ trợ, bà con Nhân dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Mọi người bảo ban cùng nhau cố gắng phát triển. Chúng tôi đang cố gắng truyền lại những bài múa, điệu hát của người xưa cho thế hệ con cháu”.

Thời gian tới, để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Si La, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu phối hợp với UBND huyện Mường Tè tổ chức trình diễn, tái hiện nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian dân tộc Si La tại xã Can Hồ, huyện Mường Tè. Đây là dịp để các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng dân tộc Si La gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, cùng nhau thể hiện những lời ca, tiếng hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc. Đồng thời, giúp bà con nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.


Tin cùng chuyên mục
Liên Sơn ngày mới

Liên Sơn ngày mới

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) được triển khai tại tỉnh Ninh Thuận đã tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc Raglay ở thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước. Cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm đồng hành cùng người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng khó khăn.