Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

La Văn Vinh – Người Đan Lai đầu tiên trở thành bác sĩ

An Yên - 01:46, 30/08/2024

Những trăn trở từ hiện thực cuộc sống đã thôi thúc chàng thanh niên người Đan Lai La Văn Vinh (ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, Con Cuông, Nghệ An) không ngừng rèn luyện, nỗ lực học tập để trở thành bác sĩ. Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu tốt ngiệp Trung cấp Y Vinh, cầm tấm bằng y sĩ, chàng trai trẻ La Văn Vinh không tìm nơi đô thị hay nơi thuận lợi lập thân lập nghiệp mà háo hức quay trở về, phục vụ Nhân dân, phục vụ bản làng.

Bác sĩ La Văn Vinh cùng đồng nghiệp và cán bộ quân y Đồn Biên phòng Môn Sơn
Bác sĩ La Văn Vinh cùng đồng nghiệp và cán bộ quân y Đồn Biên phòng Môn Sơn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tiêm phòng cho trẻ em trong độ tuổi

Người con của bản

Người Đan Lai  sống tại hai bản Búng và Cò Phạt, thuộc xã Môn Sơn. Cách đây khoảng 15 năm về trước, do đói nghèo, lạc hậu nên người Đan Lai vẫn chưa thoát ra được những tập tục đẻ ngồi và nhúng trẻ sơ sinh dưới dòng Khe Khặng như một cách để “sàng lọc”. 

Con đường trở thành bác sĩ của anh Vinh không thể nói đủ bằng lời. Những khó khăn, trở ngại đầu tiên đến từ hiện thực cuộc sống khốn khó, vất vả của người dân vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.

Khi lên 6 tuổi, trong khi nhiều đứa trẻ Đan Lai vẫn chưa biết đến trường lớp, Vinh may mắn hơn khi bố mẹ Vinh đã quyết định gửi anh ra nhà người thân ở trung tâm xã Môn Sơn để theo học. “Đó là một quyết định thay đổi đời tôi. Bố mẹ cũng chỉ muốn tôi có học để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu”, Vinh rơm rớm cảm xúc khi kể lại.

Lớn lên trong gian khó, nên càng thôi thúc Vinh có sự quyết tâm vươn lên hơn. Học xong bậc THPT, anh thi vào trường Trung cấp Y Vinh (nay là Đại học Y Vinh, Nghệ An). Ra trường với tấm bằng y sĩ năm 2009, anh xung phong về lại bản Cò Phạt và Khe Búng phụ trách công tác y tế thôn bản.

Vinh tâm sự về cái ngày trọng đại ấy: Quay lại quê nhà, là một quyết định tôi đắn đo rất nhiều. Rồi tôi nghĩ, mình là người con của đồng bào Đan Lai, không trở lại phục vụ bản làng thì còn ai dám vào nữa.

Bác sĩ La Văn Vinh: mình là người con của đồng bào Đan Lai, không trở lại phục vụ bản làng thì còn ai dám vào nữa.
Bác sĩ La Văn Vinh: Mình là người con của đồng bào Đan Lai, không trở lại phục vụ bản làng thì còn ai dám vào nữa

Ngay cả đến hôm nay, đường vào hai bản Cò Phạt, Khe Búng vẫn rất khó khăn vì nền đất trơn trượt khi mưa xuống. Có đoạn, phải hò nhau khiêng xe qua suối, người lướt thướt như chuột lột. Bởi vậy, mà thời ấy, chẳng ai muốn vào chốn “thâm sơn cùng cốc” này cũng là điều dễ hiểu.

Về bản công tác, Vinh có nhiều lợi thế hơn đồng nghiệp khi am hiểu phong tục, thông thạo ngôn ngữ…; Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các biện pháp để nâng cao sức khỏe có hiệu quả hơn. “Cắm bản” hai năm, anh được tuyển dụng chính thức vào Trạm Y tế xã Môn Sơn. Năm 2011, Vinh tiếp tục quay lại bản Cò Phạt và Khe Búng với vai trò là cán bộ y tế tăng cường.

Góp sức vì quê hương

Trăn trở từ hiện thực công việc cần có tay nghề chuyên môn cao hơn để khám chữa bệnh cho người dân, Vinh xuống núi, về thành Vinh học tiếp chương trình đại học, ngành bác sĩ đa khoa. Cùng thời điểm năm 2014, khi vợ anh vừa sinh con nhỏ, tiền lương y sĩ lại thấp nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn.

Để có đủ sinh hoạt phí nơi thị thành, ngày đi học, ban đêm Vinh ra sông Lam đánh cá, ra đồng bắt ếch. Những tháng ngày vất vả, khó nhọc cũng qua đi. Sau 6 năm, cầm tấm bằng bác sĩ đa khoa, Vinh trở thành bác sĩ người dân tộc Đan Lai đầu tiên. Và cũng sau khi có đủ chứng chỉ hành nghề, tháng 3/2023, Vinh trở lại Trạm Y tế xã Môn Sơn công tác.

Bác sĩ La Văn Vinh thăm khám cho người bệnh
Bác sĩ La Văn Vinh thăm khám cho người bệnh

Để minh chứng về sự cần thiết phải học tập nâng cao nghề chuyên môn, Bác sĩ Vinh đã kể lại tình huống mà anh gặp phải. “Trong ca trực mới đây không lâu, đã quá nửa đêm, tôi tiếp nhận một sản phụ đã vỡ ối. Ca đỡ đẻ thành công nhưng đứa trẻ được sinh ra còn nguyên bọc ối bên ngoài. Điều này dẫu đã được học trong chương trình, nhưng khi gặp ở thực tế, tôi vẫn khá lúng túng. Và tôi đã phải gọi cho bác sĩ Thanh – Trưởng Trạm Y tế xã Môn Sơn nhà ở gần trạm để hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho em bé vừa chào đời".

Bác sĩ Vinh chia sẻ, cho đến hôm nay, nhận thức của bà con Đan Lai về chăm sóc sức khỏe vẫn chưa thực sự đầy đủ. Nhiều người vẫn không có thói quen khám sức khỏe thai kỳ, sinh đẻ không đến trạm y tế, không tiêm phòng cho trẻ sơ sinh đầy đủ… Đây là những trở ngại mà anh cùng đồng nghiệp vẫn phải tiếp tục tuyên truyền, góp sức nâng cao nhận thức cho bà con về sức khỏe sinh sản, sức khỏe cộng đồng…

Có mặt định kỳ trong những chuyến về lại bản, anh Vinh kể: Tôi và các đồng nghiệp ở Trạm không sợ vất vả. Nếu bà con không ra tận nơi để thăm khám, tư vấn được, chúng tôi đều mong bà con gọi điện, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn qua điện thoại hoặc di chuyển vào tận nơi để khám, sàng lọc, cấp thuốc cho người bệnh.

Hình ảnh tận tâm, trách nhiệm suốt bao năm qua của anh với bản làng, đã truyền niềm cảm hứng rất lớn cho thế hệ trẻ người Đan Lai trên hành trình lập thân, lập nghiệp; nhưng hơn hết, là đem sức trẻ, hoài bão của bản thân đóng góp vào sự phát triển của quê hương và sự tiến bộ trong nhận thức của người dân.

Cuộc vận động đưa người Đan Lai ra khỏi rừng năm 2001 được xem là cuộc di cư lịch sử, là sự kiện đầu tiên của tộc người này để hòa nhập với cộng đồng, xã hội bên ngoài. Rồi, những con người tiên phong của bản mua máy cày, bừa về phục vụ trồng lúa nước là một bước ngoặt mới trong lao động, sản xuất. 

Còn với bác sĩ La Văn Vinh, là minh chứng rõ ràng nhất, cụ thể nhất về một thế hệ trẻ người Đan Lai đang có những thay đổi, đặc biệt là nhận thức về vượt khó vươn lên trong học tập, góp sức xây dựng bản làng ngày càng phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.